Giảm mạnh nhưng đã có dấu hiệu phục hồi
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết: Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất khi xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016. Dự kiến, năm 2016, tỉnh Quảng Bình đón khoảng 2 triệu lượt khách, giảm 45%, kéo theo doanh thu giảm nhiều, trong đó một loạt các khách sạn, khu nghỉ dưỡng dịp hè vừa qua rất vắng khách. Ngay khi xảy ra sự cố môi trường, lãnh đạo tỉnh đã liên tục tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để có giải pháp kịp thời như thay đổi thực đơn, giảm vé tham quan điểm đến như động Phong Nha, Thiên Đường… Dù vậy, do tâm lý còn e ngại nên du lịch biển rất vắng du khách.
Theo thống kê, không chỉ riêng Quảng Bình, đa phần các tỉnh khu vực BắcTrung Bộ đều sụt giảm khách trong mùa hè vừa qua, trong đó, Nghệ An giảm 17% (riêng du lịch biển sụt giảm 43%); Hà Tĩnh giảm 18%, Quảng Trị giảm khoảng 20%... Và chỉ riêng Thừa Thiên - Huế tăng trưởng 8%.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cảm giác trượt sông Chày - Hang Tối (Quảng Bình). |
Ông Lê Hữu Minh, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết: Du lịch biển của tỉnh chỉ chiếm khoảng 6,6% nhưng thời gian qua cũng bị thiệt hại do sự cố môi trường. Các điểm du lịch tại biển Thuận An, phá Tam Giang, Lăng Cô đều rất ít khách.
Ông Đoàn Tuấn, Trưởng phòng du lịch Nội địa, Công ty du lịch Toseco (Hà Nội) cho biết: Vào mùa cao điểm hè, với các điểm du lịch Bắc Trung Bộ trước năm 2016, các công ty lữ hành muốn có phòng phải đặt trước 2 tháng. Tuy nhiên, mùa du lịch hè năm 2016, dù các khách sạn giảm giá tới 50% nhưng chỉ có vài đoàn khách đến đây du lịch, chủ yếu là du lịch tâm linh ghé qua.
Theo Tổng cục Du lịch, sự cố môi trường biển năm 2016 đã làm ngành du lịch miền Trung thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng, đó là chưa tính những thiệt hại gián tiếp.
Điều đáng mừng là gần đây đã có dấu hiệu phục hồi du khách đến khu vực này. Dù trời lâm thâm mưa nhưng vẫn đông khách du khách quốc tế tới trải nghiệm tại khu du lịch Sông Chày - Hang Tối (Quảng Bình). Theo Ban quản lý khu du lịch này, khoảng 2 tháng trở lại đây, có nhiều du khách đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch mới như trượt zipline, tắm bùn trong Hang Tối, đưa tổng lượng khách đến khu du lịch này năm 2016 đạt 36.000 lượt, tăng hơn trước khoảng 15%. Đây được coi là điểm sáng trong bức tranh ảm đảm sụt giảm khách đến Quảng Bình trong thời gian qua.
Tạo sản phẩm liên kết
Theo phân tích của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), loại hình du lịch biển bị ảnh hưởng nhất và giảm mạnh nhất là khách nội địa. Do đó, trọng tâm thu hút khách đến vùng Bắc Trung Bộ là kích cầu nội địa. Đồng thời, do đặc thù của vùng Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ nên để phát triển bền vững, ngành du lịch tạo sự liên kết và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh tạo điểm nhấn.
Ông Đặng Đông Hà cho biết, bên cạnh thị trường khách Hà Nội, Quảng Bình tập trung khai thác khách khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và thị trường khách vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào. Về tạo dựng sản phẩm, tỉnh sẽ hình thành điểm du lịch đặc thù Bình Trị Thiên với điểm nhấn là hang động tại Quảng Bình, vùng di sản Thừa Thiên - Huế và di tích chiến tranh tại Quảng Trị… Bên cạnh đó, các điểm du lịch hang động cũng phải tự làm mới sản phẩm như tại Phong Nha - Kẻ Bàng có 16 tuyến điểm du lịch khám phá, trải nghiệm, lịch sử, cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng điểm tham quan du lịch tại những điểm quay phim “Kong Skull Island”. Tỉnh cũng sẽ phối hợp hãng truyền thông tuyên truyền khi bộ phim này công chiếu để tạo điểm nhấn thu hút khách.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Trị, khu vực Bắc Trung Bộ hiện hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: Con đường di sản; Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh và trục hành lang Đông Tây và hệ thống du lịch biển đảo. Vừa qua, sự cố môi trường đã làm tê liệt du lịch biển đảo trong vùng và tác động không nhỏ đến các loại hình du lịch còn lại. Do đó, tỉnh Quảng Trị tập trung khai thác tuyến du lịch qua hành lang Đông Tây và thị trường Đông Bắc Thái Lan. Muốn khai thác thị trường này thì hạ tầng phải nâng cấp, thủ tục hành chính thông thoáng để tạo thuận tiện cho du khách. Năm 2017, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức hoạt động kích cầu du lịch dựa trên các sự kiện 45 năm giải phóng Quảng Trị và mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ vào tháng 2/2017.
“Các doanh nghiệp du lịch vùng biển liên kết, đa dạng sản phẩm như kết nối với các loại hình du lịch MICE (hội nghị kết hợp với du lịch) du lịch cộng đồng, làng nghề như khu nghỉ dưỡng Anna Mandara liên kết với du lịch cộng đồng tại Thanh Toàn, vườn Thanh Trà tại Thủy Biểu… Đồng thời, để phục hồi du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ, các địa phương đề xuất Bộ VHTTDL và các bộ, ngành ưu tiên tổ chức các sự kiện tại các tỉnh Bắc Trung Bộ để gián tiếp hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại”, ông Lê Hữu Minh cho biết.
Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Victory Tour: Cần đẩy mạnh truyền thông để thay đổi ấn tượng của du khách về biển khu vực Bắc Trung Bộ. Trước mùa du lịch biển 2017, các tỉnh có thể mời những người nổi tiếng tắm biển, thưởng thức hải sản. Như vậy sẽ tạo hiệu ứng để thu hút khách nội địa. Bên cạnh đó, để khách lưu trú dài ngày, bên cạnh loại hình du lịch biển, các tỉnh còn có thể phát triển du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh về thiền, tập yoga… Ông Nguyễn Viết Trãi, Giám đốc Du lịch Mai Linh miền Trung: Tuyến du lịch theo con đường huyền thoại Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa được khai thác nhiều, chủ yếu vẫn là du lịch về nguồn như thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc… Dựa trên lợi thế của từng tỉnh, các đơn vị lữ hành sẽ liên kết tạo thành sản phẩm theo nhu cầu từng nhóm khách hàng, trong đó khai thác chuyên sâu về du lịch di sản tại Huế, di tích cách mạng tại Quảng Trị và du lịch hang động tại Quảng Bình. |