Với những chương trình hành động này, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ góp phần khoác lên "chiếc áo mới" cho ngành Du lịch tại khu vực phía Nam, mà còn tạo "làn gió mới" cho thị trường du lịch cả nước, mang đến cho người dân cơ hội khám phá vẻ đẹp của mọi miền đất nước bằng những tuyến tour, sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tiện ích và ưu đãi hơn bao giờ hết.
Vai trò đầu tàu
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang khẩn trương xúc tiến liên kết, hợp tác phát triển du lịch với vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác du lịch trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, với số lượng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đứng đầu về cả số lượng lẫn chất lượng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam có lợi thế phát triển những chương trình du lịch hướng đến việc xây dựng thương hiệu du lịch cho khu vực. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch.
Để kích cầu thị trường du lịch nội địa, các chuyên gia cho rằng, ngành Du lịch cần những thành phố lớn, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết địa phương tạo nên chuỗi cung cầu, nhất là ở khâu phát triển sản phẩm, dịch vụ. Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế tổng hợp, tác động và kéo theo những ngành kinh tế khác phát triển. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Thành phố đã xúc tiến chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều địa phương trong thời gian qua. Điển hình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cần tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, giữ ổn định thị trường truyền thống. Cùng với đó, các địa phương phối hợp tổ chức sự kiện chung để tăng cường liên kết, quảng bá xúc tiến sản phẩm mới, tuyến tour liên vùng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò là điểm kết nối và đầu mối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Cùng với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh thông qua những hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch đã tạo ra sản phẩm du lịch mới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh và giữa những địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhau.
Liên quan đến vấn đề liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, việc ký kết liên kết không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đến nhiều địa phương trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó vì thiếu sản phẩm mới, phải tự tìm tòi, xây dựng… Đặc biệt, nếu có đầu mối kết nối từ phía chính quyền, sẽ tạo ra cầu nối và thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Trong kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh... còn doanh nghiệp tập trung nguồn lực tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng xu hướng thị trường. Trên cơ sở đó, các địa phương thúc đẩy quá trình kết nối, khảo sát thị trường... sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thông tin về những điểm đến mới và cùng nhau khai thác hiệu quả ngành du lịch tại địa phương.
Cũng như chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ sẽ hướng đến phối hợp hoàn thành mục tiêu xây dựng cho rõ thương hiệu du lịch vùng thông qua những chương trình hành động cụ thể. Mỗi tỉnh, thành muốn kêu gọi đầu tư đạt hiệu quả sẽ phải rà soát và lựa chọn một hoặc hai dự án tiêu biểu gắn với phát triển lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Lợi thế địa phương
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch mới, nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch địa phương. Trong đó, tất cả địa phương tham gia liên kết hợp tác phát triển du lịch đều thống nhất cần có chính sách cụ thể trong xây dựng sản phẩm liên tuyến, nhất là đổi mới sáng tạo để phát huy được lợi thế cửa ngõ và thế mạnh của từng địa phương.
Các địa phương sẽ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ Thành phố Chí Minh đến 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành sẽ xây dựng chương trình du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; du lịch sinh thái cộng đồng; văn hóa trải nghiệm ẩm thực, làng nghề truyền thống; du lịch đường thủy kết hợp với những phương tiện khác để phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Điển hình, vùng Đông Nam Bộ có ưu điểm về cơ sở hạ tầng du lịch, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Một số địa phương trong vùng còn có những tuyến tour, sản phẩm, dịch vụ đặc trưng văn hóa di sản, núi rừng, biển đảo... Cụ thể, các tỉnh, thành có thể xây dựng những tuyến tour liên kết kích cầu du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu; Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Tây Ninh...
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã có những sản phẩm du lịch nhà vườn, sản phẩm du lịch đường sông, làng nghề... nên cần được đầu tư phát triển hơn. Nếu phát triển hiệu quả những mô hình này, các địa phương sẽ đảm bảo đáp ứng xu hướng thị trường có nhu cầu không chỉ dừng chân ở Thành phố Hồ Chí Minh mà đi về các tỉnh, thành khác.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác trên cả nước đã và đang tập trung phát triển du lịch, xem đây là ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn thiếu và yếu ở khâu xây dựng những tuyến tour liên kết hay hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ mang lại tiện ích cho du khách và giữ chân du khách trong thời gian lâu hơn.
"Ghi thực tế, những sản phẩm, dịch vụ liên tuyến, liên vùng đã có và đang được phát triển, nhưng chưa chặt chẽ và phát huy được hiệu quả. Do đó, cần sự hợp tác của chính quyền địa phương, sở, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp trong thúc đẩy đầu tư vào du lịch, tăng cường hợp tác phát triển liên kết ngành", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, đại diện một số tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ cho rằng, thúc đẩy kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, mà cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Hiện nay, thị trường du lịch đang đòi hỏi hình thành sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chào bán sản phẩm, dịch vụ mới trong khai thác và tiếp cận du khách nội địa.
Bài 2: Tăng hiệu quả kết nối khai thác du lịch địa phương