Khó khăn chưa từng có
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: 6 tháng qua, toàn ngành gặp khó khăn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngành chỉ hoạt động được trong tháng 1 - 2/2020. Đến cuối tháng 5/2020, dịch bệnh được khống chế ở nước ta, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch bắt đầu trở lại, trong đó du lịch là nhanh và mạnh nhất với Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”...
Theo Tổng cục Du lịch: Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,68 triệu lượt, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ 2019...
Dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch toàn cầu ngừng trệ, tác động mạnh mẽ đến du lịch nước ta. Thị trường khách nội địa, khu vực thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam là Đông Bắc Á đều sụt giảm rất mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác. Do đó, việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra cho năm 2020 là khó khả thi. Một số chương trình xúc tiến, quảng bá trong nước, hoạt động hợp tác quốc tế, phát động quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế năm 2020 phải tạm dừng, điều chỉnh, thay đổi.
Quý I/2020, có 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ, công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Trong tháng 3 - 4/2020, các khách sạn và cơ sở lưu trú cơ bản dừng hoạt động... Số lượng khách tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên cả nước rất hạn chế, gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương.
Có điểm đáng mừng là sau thời gian kích cầu nội địa, trong tháng 6/2020, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5/2020. Trong đó: Sa Pa (Lào Cai) tăng 2,65 lần; Quảng Ninh tăng 3,23 lần; Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng gấp 2 lần; Quy Nhơn (Bình Định) tăng 2,8 lần; Phú Yên tăng 1,5 lần; Phú Quốc dự kiến năm 2020 khách nội địa sẽ bù đắp cho khách quốc tế, trong tháng 6/2020 lượng khách nội địa đến Phú Quốc tăng 1,68 lần so với tháng 5/2020...
Trong 6 tháng đầu năm, thể thao Việt Nam đã tham gia 18 giải thể thao quốc tế, giành được 26 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc, 8 huy chương Đồng. Đến nay, Việt Nam đã có 5 suất chính thức tham dự Olympic Tokyo gồm các môn: Bắn cung (2), Boxing (1), thể dục dụng cụ (1), bơi (1). Tuy vậy, do dịch COVID-19, việc hoãn tập huấn và tham dự các giải thể thao quốc tế, đặc biệt là vòng loại Olympic, Paralympic đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu vượt qua vòng loại, giành suất tham dự đại hội của Việt Nam. Việc hoãn tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế đã thay đổi kế hoạch huấn luyện của các đội tuyển quốc gia và vận động viên ở địa phương.
Dù gặp khó khăn nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn nỗ lực hoạt động. Trong đó, đáng chú ý là Bộ hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); hệ thống quản lý văn bản,điều hành (V-office) tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; hoàn thành kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử... Bộ đã trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Bám sát thực tiễn, khắc phục khó khăn
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận những nỗ lực vượt khó của toàn ngành trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Bộ trưởng nhấn mạnh, toàn ngành cần tập trung phát huy kết quả bước đầu đạt được sau khi dịch được khống chế vừa qua. Chặng đường phía trước chắc chắn còn rất nhiều khó khăn do phát sinh tình huống mới về dịch bệnh, toàn ngành cần phải tiếp tục tìm giải pháp khắc phục để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; cần có tư duy mới trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không chủ quan nhưng cũng không quá sợ đến mức không làm gì…
Với thể dục thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 thông qua đảm bảo tiến độ các mặt công tác, nhất là chuyên môn của các vận động viên, cơ sở vật chất phải đảm bảo yêu cầu.
Thời gian còn lại của năm, ngành thể thao tiếp tục thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao rộng khắp cả nước gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tổ chức, điều hành các giải thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Một nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 6, vòng loại Olympic, Paralympic, SEA Games 31 năm 2021 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới trong năm 2021.
Đối với du lịch, Tổng cục Du lịch bám sát diễn biến tình hình chỉ đạo chung của Chính phủ để có giải pháp phù hợp. Đã có tình huống mới đặt ra cho ngành du lịch là xuất hiện các ca bệnh mới nhưng việc kích cầu du lịch nội địa vẫn phải tiến hành, bên cạnh đó là chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế khi dịch COVID-19 được khống chế. Việc kích cầu nội địa, đưa khách đi du lịch nội địa cần đặt lên hàng đầu yếu tố đảm bảo an toàn phòng chống dịch... Tổng cục Du lịch chủ trì, tiếp tục phối hợp triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; chiến dịch truyền thông về điểm đến “Việt Nam an toàn”, góp phần kích cầu du lịch nội địa, quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn…