Kích cầu du lịch bằng giảm giá


Chương trình bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm du lịch đã được các nước triển khai từ lâu, nhằm kích cầu, tăng lượng khách bằng giá tour rẻ, đồng thời kích thích chi tiêu của khách hàng trong việc mua sắm hàng hóa tốt. Với du lịch Việt Nam, đây là chương trình thật sự cần phải làm, bởi chi phí mua sắm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn quá thấp:
 
Chiếm chưa quá 20% tổng chi phí du lịch (trong khi ở Thái Lan, chi phí cho mua sắm chiếm từ 60-70% tổng chi phí của khách du lịch). Năm 2010 là năm đầu tiên ngành du lịch phối hợp với ngành công thương triển khai chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch đồng loạt tại 3 thành phố lớn (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng) trong tháng 8-9/2010.

Du khách thích thú theo dõi công đoạn mổ trai lấy ngọc để chế tác các sản phẩm ngọc trai lưu niệm. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Tăng thu cho du lịch

"Khách quốc tế đến Hà Nội đều than phiền không biết mua gì về làm kỷ niệm, trong khi Hà Nội là đất trăm nghề", anh Trần Hùng, hướng dẫn viên của Hanoi Redtour than phiền.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết, hiện 3 nước Xinhgapo, Thái Lan, Malaixia đã chia nhau tổ chức các tháng khuyến mại, bán hàng giảm giá trong năm để hút du khách. Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình bán hàng giảm giá đối với Việt Nam là rất cần thiết. Việc mua sắm là chuỗi dịch vụ gia tăng trong du lịch và chính đây là hoạt động đem lại nguồn thu cho du lịch. Ông Kế dẫn chứng: Theo thống kê, tại Việt Nam, khách quốc tế chỉ chi tiêu bình quân khoảng 900 USD/khách và chủ yếu vào dịch vụ cơ bản (ăn uống, thuê khách sạn, phương tiện). Trong khi tại Thái Lan, khách chi tiêu khoảng 1.200 USD/người. Nếu nhìn vào giá tour công bố thì thấy giá rất thấp (giá tour dịch vụ tại Thái Lan chỉ khoảng 200 USD/tuần, tính ra chỉ gần 30 USD/ngày) nếu tính chi tiết ra thì các đơn vị cung ứng dịch vụ sẽ lỗ nhưng thực tế họ bù lại bằng nguồn thu từ bán hàng hóa. Nhiều ông chủ cửa hàng, trung tâm mua sắm tại Thái Lan sẵn sàng chi tiền để phối hợp với các công ty lữ hành đưa khách du lịch đến mua sắm tại trung tâm của họ. Điều đó cho thấy cơ chế phối hợp giữa công ty lữ hành, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, cửa hàng mua sắm tại Thái Lan rất nhịp nhàng và hiệu quả.

Có thể thấy, việc triển khai chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch lần này tại Việt Nam là rất cần thiết, dù rằng đã muộn; nhất là khi chúng ta đã xác định du lịch trong những năm tới hướng tới chất lượng và tăng khả năng chi tiêu của khách tại Việt Nam.

Cần triển khai bài bản hơn

 Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chiến dịch bán hàng giảm giá kích cầu du lịch đã góp phần tăng  lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2010.

Còn lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là lần đầu Hà Nội tổ chức chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch, thu hút gần 100 điểm bán hàng tham gia, gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh tập trung chủ yếu ở khu vực Hoàn Kiếm. Các hình thức khuyến mại đa dạng như giảm giá, tặng quà, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, trong đó chủ yếu tập trung vào hình thức giảm giá hàng hóa từ 10-50%. Theo đánh giá của các đơn vị, doanh thu trong tháng 9 tăng mạnh hơn tháng 8. Nếu so sánh tốc độ tăng cùng kỳ thì hầu như các đơn vị đều tăng trưởng, thậm chí có những doanh nghiệp tăng trưởng đến 170%... Tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế trong việc triển khai chương trình, đặc biệt là việc triển khai muộn nên công tác truyền thông chưa hiệu quả; bên cạnh đó một số quy chuẩn về điểm bán hàng khuyến mại cho khách du lịch chưa thống nhất. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch 2010, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất với Tổng cục Du lịch báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành chương trình thường niên để ngành triển khai sớm từ đầu năm; mở rộng các điểm bán hàng khuyến mại tới tất cả các làng nghề để tiêu thụ nhiều hơn nữa sản phẩm của làng nghề.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết thêm: Với TP Hồ Chí Minh, đây là năm thứ 6 thực hiện chương trình bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm du lịch có quy mô lớn, thu hút trên 600 doanh nghiệp tham gia bán hàng giảm giá tại hơn 2.300 điểm. Còn tại Đà Nẵng có 29 đơn vị gồm 5 đơn vị thương mại, 24 hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở mua sắm… đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm từ 10 - 50% giá phòng cho thủ tục lữ hành, dịch vụ làm đẹp, ăn uống, giải trí; miễn phí đưa đón, mua sắm tại các trung tâm, siêu thị.

Ông Lưu Đức Kế đề nghị: "Những năm tới cần tiếp tục thực hiện các chương trình bán hàng giảm giá mùa thấp điểm bởi mua sắm là một yếu tố quan trọng, thu hút khách du lịch và tiêu thụ được sản phẩm của nhiều làng nghề tại chính Việt Nam. Riêng với Hà Nội, để đạt hiệu quả trên quy mô lớn hơn, thành phố cần phải vào cuộc, như có quy chuẩn về cửa hàng bán hàng giảm giá du lịch, bãi đỗ xe thuận tiện…".

Được biết, sau khi có tổng kết của Hà Nội và Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch sẽ có những đánh giá cụ thể, để đề xuất tổ chức chương trình thường niên, nhằm thu hút khách mùa thấp điểm.  

Xuân Cường   

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN