Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài cuối: Nỗ lực 'phá băng' để phục hồi bền vững

Theo các doanh nghiệp lữ hành, đây là lúc cần kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp để "phá băng", phục hồi và phát triển ngành du lịch bền vững. Trong đó, ngoài việc tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa, các tỉnh, thành phố cũng chuẩn bị mở cửa việc đón khách quốc tế trở lại.

Chú thích ảnh
Du khách thích thú trải nghiệm đi thuyền trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh (ảnh chụp khi chưa có dịch bệnh ). Ảnh: Minh Thuyết/Báo Tin tức

Tìm hiểu nhu cầu khách

Bước sang tháng 10, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chính phủ cũng đã thay đổi chủ trương chống dịch từ "zero COVID-19" sang sống chung với dịch. Theo đó, các tỉnh, thành cũng đã mở cửa du lịch tới vùng "xanh"; hàng không mở dần các đường bay nội địa; địa phương mở cửa đón khách nội địa, thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Tất cả tỉnh, thành phố khi mở cửa du lịch đều theo tiêu chí "mở cửa đến đâu an toàn đến đó".

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ quân y được trải nghiệm du lịch tại huyện Củ Chi khi tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi kiểm soát dịch tại TP Hồ Chí Minh, ngành đã tập trung phát triển "tour xanh" đến Cần Giờ, Củ Chi để tri ân các y bác sĩ tuyến đầu. Dự kiến ngày 16/10, Thành phố sẽ mở tuyến du lịch khép kín TP Hồ Chí Minh - Củ Chi - núi Bà Đen (Tây Ninh), sau đó xúc tiến đến các tỉnh miền Trung. Việc khôi phục ngành du lịch không thành công nếu không mở cửa đón khách ngoài nên TP Hồ Chí Minh sẽ tái khởi động liên kết lại với 40 tỉnh, thành.

"Trước khi khởi động lại ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã có những tìm hiểu tâm lý, nhu cầu khách hàng, độ an an toàn của điểm đến... để xây dựng các đường tour phù hợp theo nhu cầu của khách. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, qua khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, xu hướng đi du lịch trong mùa dịch của người dân chủ yếu vẫn chọn các vùng biển, các điểm đến ở phía Bắc - nơi đang có nhiều "vùng xanh" và khách thường chọn đi du lịch theo nhóm gia đình, nhóm bạn bè... đã có quen biết và hiểu rõ lịch sử dịch tễ của nhau. Tuy nhiên, các khó hiện nay cho ngành du lịch là các tỉnh, thành phố vẫn chưa có thống nhất về các tiêu chí an toàn khi mở cửa, một số tỉnh còn băn khoăn có áp dụng cách ly hay không khi người dân đến các tỉnh này du lịch, việc xét nghiệm tại các điểm còn gây tốn chi phí cho doanh nghiệp...", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói thêm

Chú thích ảnh
Thành phố Hội An, Quảng Nam sẽ đón khách cả nước trở lại trong tháng 12 khi đã tiêm phủ vaccine (ảnh chụp khi chưa có dịch bệnh). Ảnh: Minh Thuyết/Báo Tin tức

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hạn chế hiện nay của ngành du lịch là thiếu sự kết nối giữa các địa phương và các doanh nghiệp du lịch. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Nếu mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp du lịch áp dụng một tiêu chí thì không thể phục hồi toàn ngành du lịch được, hoặc nếu đơn độc thì địa phương cũng không thể phát triển ngành du lịch hồi phục trong tổng thể chung.

"Hiện các địa phương chỉ dừng lại ở việc mở cửa nội thành, nội tỉnh nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Việc mở cửa đón khách nội tỉnh chỉ giúp địa phương bước đầu có khách, còn để du lịch thật sự hồi phục bền vững vẫn phải có sự liên kết", ông Lâm Hải Giang chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: "Tỉnh đang triển khai tiêm chủng cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi đã sẵn sàng nhưng về phía du khách, công ty du lịch cũng cần có trách nhiệm bảo đảm vấn đề dịch tễ, tiêu chí an toàn, xét nghiệm PCR… khi tổ chức tour".

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh nên ông Trần Hữu Thế mong muốn các đơn vị cần phát triển áp dụng ứng dụng du lịch liên thông với tỉnh, từ đó có thể nắm thông tin du khách khi tới tỉnh có sự chuẩn bị sẽ đón bao nhiêu khách, lịch sử dịch tễ và xét nghiệm của du khách có bảo đảm an toàn không? Cụ thể, khi đi bằng máy bay thì hành khách đã có thông tin rõ ràng nhưng còn đường bộ, đường thuỷ, tàu hoả… thì có thể gây rủi ro trong quá trình đi/đến. Do đó, khi tổ chức các tour du lịch liên kết, liên tuyến cần tổ chức những điểm dừng chân, điểm đến phải chặt chẽ, hiệu quả để quá trình phục hồi của ngành du lịch bền vững hơn.

Sớm mở cửa đón khách quốc tế 

Theo các tỉnh, thành phố để mở cửa ngành du lịch, các doanh nghiệp không chỉ tập trung khôi phục du lịch nội địa mà còn cần sớm thí điểm việc mở cửa đón khách quốc tế. 

Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Hiện đã cơ bản hoàn thành kế hoạch và đang chờ ý kiến của các bộ ngành trung ương để ban hành tiêu chí đón khách quốc tế, tiêu chí cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Để sẵn sàng đón khách quốc tế thí điểm, tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine mũi 1 và tiêm vét mũi 2 trong tháng 10. Ngoài ra, Phú Quốc cũng đang triển khai về nhân lực, vật lực, phương án xét nghiệm, xử lý sự cố khi có tình huống xảy ra.

Chú thích ảnh
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du khách đa số có nhu cầu đi du lịch biển. Các vùng biển Bình Thuận, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo... đang là lựa chọn hàng đầu của du khách.

Bà Quảng Xuân Lụa dự kiến, cuối tháng 11 này có thể vận hành đón khách quốc tế trong điều kiện bảo đảm kế hoạch đề ra và phối hợp các sở, ngành đi tiền trạm, khảo sát để phục vụ đón khách an toàn trong tình hình mới. Ngành du lịch địa phương cũng chuẩn bị các sản phẩm du lịch trong những ngày chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế, Sở cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp như hỗ trợ quảng bá, truyền thông để các doanh nghiệp đón khách thuận lợi nhất. Theo đó, trong giai đoạn thử nghiệm Phú Quốc sẽ thí điểm đón 1-3 chuyến bay, sau đó mới đón khách quốc tế chính thức.

"Để đón khách quốc tế, chúng tôi cũng xây dựng các bộ tiêu chí an toàn trong dịch COVID-19, ưu tiên thị trường cấp 1 nguy cơ thấp trong điều kiện bình thường mới, tương ứng vùng xanh, an toàn có độ bao phủ vaccine cao ở những điểm đến trên địa bàn để mở cửa đón khách", bà Quảng Xuân Lụa nói.

Chú thích ảnh
Du khách muốn đi du lịch các tỉnh, thành trên cả nước cần có "thẻ xanh COVID-19" (ảnh chụp khi chưa có dịch bệnh). Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tương tự, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã giao Sở Du lịch xây dựng đề án đón các chuyến bay quốc tế trong tháng 12. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mùa này là mùa thấp điểm, để bảo đảm được hiệu quả khi mở cửa thì cần có sự phối hợp chặt chẽ các địa phương cả nước, đặc biệt doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này. Mặt khác, các cơ quan nhà nước cũng cần đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng mã quét QR cho việc triển khai áp dụng "Thẻ xanh COVID-19" cho du khách quốc tế. 

"Để tăng hiệu quả đón khách, vấn đề quan trọng là tâm lý hành khách, nếu khách còn e ngại thì mở cửa cũng không thu hút được du khách đến. Ngoài ra, cũng phải đẩy mạnh truyền thông để có thông tin cụ thể, kịp thời về điểm đến an toàn cho du khách lựa chọn. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ tất cả cơ quan nhà nước, đơn vị để tạo thống nhất khi đón khách, trong đó cơ quan nhà nước phải là cầu nối, tác động tích cực cho mở cửa, phục hồi du lịch để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất. Nếu không có cơ quan nhà nước làm "bà đỡ" thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, không có tâm lý thoải mái khi mở cửa đón khách trở lại", ông Lâm Hải Giang nói.

Ngoài ra, theo ông Giang, trước mắt là đẩy mạnh sự phối hợp mở tour nội địa để tránh du lịch tự phát khi ngành du lịch mở cửa. Có như vậy, ngành du lịch mới có thể an tâm và tạo hiệu ứng phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ cho các tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch. Trước tiên là định hướng ưu tiên khôi phục du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch, từ đó cùng với địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. 

 Đối với việc mở cửa đón khách quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, có hai việc lớn các cơ quan các cấp tiếp tục hoàn thiện, đó là làm sao mở cửa được thị trường du lịch quốc tế không ảnh hưởng tới phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc quy định "Vaccine 5K công nghệ". Riêng với Phú Quốc, các tập đoàn lớn như SunGroup, Vingroup cần chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang để có kiến nghị chính sách, giải pháp phù hợp khi thí điểm. Đây cũng chính là đơn vị tổ chức tour chính khi mở cửa thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

"Các đơn vị phải chọn các điểm có lộ trình, khu trú tại hai doanh nghiệp trên trong thời gian thực hiện thí điểm, khi an toàn mới mở rộng các điểm đến của các đơn vị khác. Chúng ta cần có các bước đi thận trọng, không mở ra ồ ạt, mở tới đâu quản lý tới đó, làm tới đâu chắc tới đó. Chúng ta làm cho được thị trường Phú Quốc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lại
Khôi phục du lịch trong 'bình thường mới' - Bài 1: Xây dựng các 'tour xanh' kéo khách trở lại

Diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước đang từng bước được kiểm soát, nhiều địa phương bắt đầu triển khai lộ trình khôi phục ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN