Luồng sinh khí phục hồi du lịch
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung Quốc là thị trường du lịch gửi khách lớn trên thế giới, mang lại nguồn thu 225 tỷ USD, chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Riêng với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về lượng khách đến Việt Nam cũng như đưa khách Việt Nam tới Trung Quốc du lịch. Do đó, thông tin Trung Quốc quyết định từ 15/3 đưa Việt Nam vào danh sách mở cửa du lịch theo đoàn đợt II đang mang đến niềm vui cho thị trường.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamigo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông – Chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vui mừng đón nhận thông tin đón khách đoàn Trung Quốc từ 15/3 bởi đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch, hàng không lập kế hoạch khai thác thị trường. Tuy nhiên, luồng khách này phải đến tháng 4 mới có tín hiệu rõ ràng về sự tăng trưởng và lấp khoảng trống thấp điểm khách quốc tế đến từ Châu Âu.
“Điểm quan trọng nhất là tạo nên luồng sinh khí mới khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam. Thực tế tại các điểm thường đón khách Trung Quốc như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng, vẫn còn tới 50-60% cơ sở nhà hàng, khách sạn chưa mở cửa trở lại hoặc chỉ hoạt động một phần công suất. Cho nên, với thông tin này, các chủ doanh nghiệp du lịch sẽ mạnh dạn đầu tư, khôi phục lại hoạt động”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc công ty TNHH lữ hành quốc tế Tictour (Khánh Hoà), đơn vị có hợp tác đón khách Trung Quốc trước dịch COVID-19 cho biết: Việc khai thác trở lại khách đoàn là tín hiệu tốt với du lịch nói chung và Khánh Hoà nói riêng. Theo tiến độ thị trường, các cơ sở khách sạn, nhà hàng sẽ đầu tư để hoạt động trở lại. Để đón khách còn là cả câu chuyện dài về visa, nguồn nhân lực, vốn đầu tư… Sau ngày 15/3 sẽ có những đoàn khách Trung Quốc tới Việt Nam nhưng mang tính thăm dò thị trường và phải đến tháng 4 tín hiệu về thị trường này mới rõ ràng hơn.
Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam đã có chuẩn bị đón khách Trung Quốc, nhất là khi mở cửa từ 8/1/2023. Trong thời gian qua, các điểm du lịch đã mở lại và đăp ứng được luồng khách Trung Quốc trở lại. Năm 2019, Đà Nẵng đón 900.000 lượt khách Trung Quốc, năm nay dự kiến đón khoảng từ 200.000 đến 300.000 khách.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, các điểm đến trong tỉnh cũng sẵn sàng đón khách Trung Quốc với dịch vụ chất lượng.
Tạo dựng sản phẩm theo xu hướng mới
Mặc dù thị trường Trung Quốc đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các thị trường đã mở cửa và đón khách Trung Quốc trước Việt Nam 1 tháng, như: Thái Lan, Malaysia, Singapore… Đây cũng là thách thức lớn trong việc cạnh tranh để thu hút khách.
Ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng: Vấn đề cạnh tranh nhất về điểm đến là visa. Nếu chưa khai thông điểm nghẽn này thì giá thành tour đến Việt Nam sẽ cao hơn so với các điểm đến trong khu vực. Để khai thác luồng khách này cần tạo sự thuận tiện cho khách Trung Quốc nói riêng và các thị trường khách nhập cảnh.
Thực tế từng khai thác luồng khách Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng với khách đi bằng đường hàng không có khả năng chi trả cao và lấp được những khoảng trống thấp điểm theo mùa du lịch, giúp khai thác tối đa công suất buồng phòng khách sạn, tăng hiệu quả kinh tế.
Còn ông Nguyễn Công Hoan cho rằng: Thực tế từ việc đón khách Trung Quốc một số nước trong khu vực cho thấy, lượng khách chưa đông. Một phần luồng khách này cũng chịu tác động mạnh mẽ sau 3 năm đại dịch COVID-19, một phần do xu hướng đi du lịch cũng thay đổi, nên cần có nghiên cứu thị trường đẩy đủ hơn. Tuy nhiên, luồng khách Trung Quốc đến với thị trường Việt Nam vẫn có tệp khách hàng riêng, nhất là du lịch đường bộ và đường biển. Với đường hàng không, quan trọng nhất là lịch nối lại các đường bay thẳng để từ đó mới xây dựng được các sản phẩm du lịch
Để tăng tính cạnh tranh, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, các địa phương có lợi thế đón khách Trung Quốc cũng như doanh nghiệp lữ hành sớm có sự liên kết tạo dựng sản phẩm, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng như tour 0 đồng, tour shopping mua hàng kém chất lượng… từng tồn tại trước đây. Đồng thời, các đơn vị kết hợp quảng bá mạnh, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc sau dịch, bởi xu hướng du lịch của khách có thể đã thay đổi. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cấp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khách Trung Quốc.