Nhìn vào lượng khách đăng ký tour năm nay, với con số tăng 15 - 20%, dù giá tour tăng cao, có thể thấy nhu cầu đi du lịch dịp nghỉ lễ là rất lớn. Tuy nhiên, tình hình giá cả đang leo thang, nên du lịch 30/4 – 1/5 năm nay cũng có nhiều thay đổi với phương châm: Du lịch tiết kiệm và đi gần.
Tất cả cùng tăng
So sánh giá tour năm trước, dễ dàng nhận thấy giá tour năm nay đội lên 15 - 20%; thậm chí tour đi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 còn bị đội lên so với ngày thường khoảng 50%, thậm chí lên tới 70 - 80%. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc HaNoi Red tour cho biết: Ba yếu tố chính cấu thành lên 1 tour gồm vận chuyển, dịch vụ lưu trú, ăn uống đều tăng. Đơn cử như dịch vụ ăn uống, năm trước chỉ vào khoảng 80.000 đồng/suất, nhưng để duy trì chất lượng bữa ăn như năm trước, giá năm nay khoảng 100.000 - 110.000 đồng/suất.
Dịch vụ lưu trú cũng báo tăng giá. Theo thông lệ, cứ vào dịp cao điểm du lịch 30/4 - 1/5, giá phòng khách sạn với khách hàng truyền thống cũng tăng 10 - 15%. Còn tăng cao nhất là dịch vụ vận chuyển, với những tour đi xa, giá vé máy bay dịp này thường tăng kịch trần, còn dịch vụ xe ô tô cũng tăng 15 - 20%. Cộng tất cả chi phí, giá tour năm nay cao hơn nhiều so với năm trước. Đối với đơn vị làm lữ hành truyền thống, báo giá của các đơn vị cung cấp còn tăng như vậy, thì đương nhiên với những khách tự tổ chức tour đi dịp này, giá còn tăng cao hơn nữa.
Du lịch “bụi” luôn được thanh niên lựa chọn bởi tính năng động và tiết kiệm. |
Anh Lại Văn Quân, Trưởng phòng lữ hành của Công ty du lịch Mai Linh cho biết, trên thị trường thuê xe, với khách hàng truyền thống, các hãng xe chỉ tăng giá 10 - 15%, nhưng với khách thuê lẻ thì giá tăng 50 - 70% so với ngày thường; thậm chí cận thời điểm đi nghỉ, giá có nơi tăng 100% mà vẫn không có xe để thuê. Tương tự, với các hãng lữ hành truyền thống, các khách sạn, resort căn giá theo hợp đồng ký từ hàng tháng trước, trong khi giá dành cho khách thuê đi lẻ hiện đã tăng rất cao tại các điểm du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Sầm Sơn...
Đại diện các hãng lữ hành đều khẳng định, vì lý do trên một mặt bằng giá mới về tour cũng được hình thành, cao hơn trước khoảng 15 - 20%. Với các tour đi nước ngoài, giá có tăng nhưng ở mức độ vừa phải. Lý do bởi thời điểm này với các nước trong khu vực, họ không có kỳ nghỉ dài như Việt Nam. Tiếp đó, giá land tour (tour gốc bán cho đối tác Việt Nam) của họ tăng vừa phải bởi mục tiêu chính của họ nhắm tới là chi tiêu mua sắm, sử dụng dịch vụ giải trí của khách. Giá tour đi nước ngoài tăng thời gian qua chủ yếu do tỷ giá tiền đồng sang USD tăng. Đơn cử như tour đi Thái Lan khoảng 350 USD. Giá quy đổi năm trước khoảng 19.000 đồng/USD, nay nếu quy đổi sang tiền Việt thời điểm này (trên dưới 21.000 đồng/USD), giá tăng thêm khoảng 1 triệu đồng.
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đã khóa sổ tour dịp 30/4 - 1/5, hiện chỉ còn những khách đi lẻ, đoàn khách tự tổ chức tour dịp này đang nhộn nhịp tìm cách kết nối các dịch vụ vận chuyển, lưu trú để có thể tìm chỗ vui chơi dịp này.
Tìm cách thích ứng
Trước tình trạng giá cả tăng, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đang tìm cách thích ứng. Anh Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho biết, thị trường gần đang là điểm đến của nhiều du khách và cũng là thị trường xúc tiến của đơn vị làm lữ hành hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Chính vì vậy, Vietravel sẽ hướng tới các thị trường gần.
Đối với du khách là người Việt, xu hướng chuyển điểm đến du lịch cũng rõ nét. Anh Lại Văn Quân cho biết, gần đây, khi so sánh giá cả, nhiều du khách chọn tour đi nước ngoài với điểm đến là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ôxtrâylia. Một phần vì thị trường du lịch châu Á đang được xúc tiến mạnh hơn, một phần vì túi tiền của người dân Việt Nam phù hợp với các tour gần hơn tour xa, nhất là tình hình giá cả dịch vụ tại các điểm du lịch nước sở tại cũng tăng.
Bên cạnh việc thay đổi điểm đến, họ cũng có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt dịch vụ và tiện nghi để giảm chi phí như trước đây tính ở khách sạn 4 sao, nay giảm xuống ở 3 sao... Đó cũng là lý do loại hình du lịch tiết kiệm của Saigontourist đang được du khách lựa chọn. Bà Đoàn Thanh Trà cho biết, đơn vị luôn duy trì 2 loại hình tour cao cấp và tour tiết kiệm. Thực tế, loại hình tour tiết kiệm đang được khách lựa chọn nhiều từ đầu năm lại đây.
Với các du khách trẻ tuổi, du lịch “bụi” luôn là lựa chọn số 1 bởi tính năng động và tiết kiệm của nó. Bạn Hoàng Sơn, một dân du lịch bụi cho biết: Loại hình du lịch này chi phí sẽ tiết kiệm một cách tối đa.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Vietravel cho rằng: “Điều cần nhất lúc này là nhà quản lý có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ tầm vĩ mô, như chính sách về visa hay các chương trình quảng bá, xúc tiến điểm đến để hút khách quốc tế. Đồng thời, các hãng lữ hành - nhà hàng - khách sạn - hãng vận chuyển cần phải liên kết với nhau để giữ giá như cách mà Thái Lan đang làm. Muốn vậy, vai trò của Tổng cục Du lịch cần rõ nét hơn để du lịch Việt Nam có thể cạnh tranh được giá so với các nước trong khu vực”.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thừa nhận, với giá cả tăng như hiện nay, cần có sự hợp tác giữa các đơn vị nhằm có giá tour hợp lý, để chào bán tour từ tháng 10 cho các đối tác. Du lịch Việt Nam sẽ bị tác động lớn vào năm 2012 nếu không có chính sách bình ổn ngay từ bây giờ.
Xuân Cường