Ra đời trong thời kỳ đất nước còn chia cắt do chiến tranh, trải qua 60 năm phát triển (1960-2020), du lịch nước nhà đã trở thành một điểm sáng, được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hình ảnh điểm đến Việt Nam ngày càng ghi nhiều dấu ấn sâu sắc với bạn bè quốc tế. Trong 60 năm, trải qua nhiều thử thách, bứt phá, du lịch nước nhà đã thực sự trưởng thành.
Từ mốc số 0
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ngày 9/7/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Đây là thời kỳ đất nước còn tạm thời bị chia cắt, chiến tranh khốc liệt.
Công ty có nhiệm vụ đặt quan hệ, ký kết hợp đồng với các tổ chức du lịch nước ngoài, phối hợp để chức đón khách quốc tế vào du lịch Việt Nam, đưa khách Việt Nam ra du lịch nước ngoài... Theo mức độ phát triển của ngành du lịch, Công ty có thể thành lập các đại diện ở nước ngoài, chi nhánh ở địa phương, khách sạn và các phương tiện vận chuyển đặc biệt… Điều này thể hiện tầm nhìn sâu rộng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngay từ những ngày đầu thành lập ngành.
Hoạt động của du lịch Việt Nam được kỳ vọng phát triển nguồn thu ngoại tệ, tăng tích lũy cho Nhà nước phục vụ sản xuất, dân sinh, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tăng cường giao dịch với các tổ chức du lịch nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Ngành du lịch tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng với khách du lịch trong và ngoài nước về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thành tích cách mạng…; đề xuất quy hoạch kiến thiết, tu sửa, trang trí, bảo quản các danh lam thắng cảnh, các trung tâm du lịch nhằm phát triển kinh doanh về du lịch…
Những ngày đầu thành lập, trong điều kiện rất khó khăn khi đất nước còn chiến tranh, ngành du lịch đã nỗ lực phấn đấu, từng bước mở rộng các cơ sở du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; đón tiếp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của nhân dân.
Tháng 6/1978, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập, mở ra một trang mới cho ngành du lịch Việt Nam. Có thể nói rằng, du lịch Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: 60 năm là một chặng đường dài ngành du lịch ra đời, xây dựng và trưởng thành. Khởi động là một công ty du lịch vào năm 1960 đến nay quy mô ngành du lịch đã tăng lên đáng kể. Vào năm 1992, khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 250.000 lượt, đến hết năm 2019 đã đạt mốc 18 triệu lượt; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng...
Cơ sở vật chất của ngành du lịch phát triển nhanh chóng, các khách sạn, cơ sở lưu trú từ chỗ chỉ có chủ yếu ở Hà Nội thì nay xuất hiện khắp các vùng miền trên cả nước, nhất là ở các địa phương trọng điểm du lịch như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng cho rằng: Du lịch Việt Nam có thể tự hào sau khi góp phần tổ chức thành công APEC năm 2018, đón 21 nguyên thủ quốc gia lớn nhất trên thế giới. Du lịch Việt Nam có thể khẳng định vị thế, đủ năng lực làm những sự kiện tầm thế giới thông qua những đóng góp về cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực, năng lực sẵn sàng đón tiếp, phục vụ du khách chu đáo...
Ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung chia sẻ: Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, mức tăng trưởng trung bình đạt 22% trong giai đoạn 2016 - 2019. Đặc biệt, năm 2019, du lịch Việt Nam đã vượt qua Indonesia trong khu vực ASEAN, đứng vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Kết quả đó là minh chứng cho sự nỗ lực và bứt phá mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong bối cảnh khách quốc tế đến châu Á - Thái Bình Dương chỉ tăng khoảng 6%; Đông Nam Á tăng khoảng 5% trong năm 2019.
Chất lượng dịch vụ du lịch nước ta cũng cải thiện đáng kể. Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đã góp phần thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Ðầu tư phát triển du lịch tăng cả về lượng và chất với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không, tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch và hàng không.
Năm 2019, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh từ 75/141 năm 2015 tăng lên vị trí 63/140 nền kinh tế.
Năm 2019 cũng là năm du lịch Việt Nam “thắng lớn”, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới với nhiều giải thưởng lớn, đặc biệt là danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới”. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Cuối năm 2019, du lịch Việt Nam được trao 4 giải thưởng: “Ðiểm đến hàng đầu châu Á”, “Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”, “Ðiểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” và “Ðiểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - Thành phố Hội An”. Ðây cũng là lần đầu tiên, ẩm thực Việt Nam được vinh danh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung: Hình ảnh du lịch Việt Nam ngay càng trở nên hấp dẫn, thân thiện hơn với du khách. Ngoài các điểm đến đã khẳng định thương hiệu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, các điểm đến mới đang dần khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ.
Thành phố bên sông Hàn nổi tiếng thế giới với ngôi vị “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” gắn với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Hội An được trao tặng danh hiệu “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019”. Đảo Ngọc - Phú Quốc, sở hữu nhiều bãi biển đẹp đã được xếp hạng những bãi biển quyến rũ nổi tiếng thế giới… Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước với sự xuất hiện của những dự án quy mô lớn để đưa nơi đây thành điểm đến hiện đại, đẳng cấp…
Năm 2020, du lịch Việt Nam đón tuổi 60 trong một bối cảnh đặc biệt – dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt của đời sống, xã hội trên toàn cầu, trong đó có du lịch. Dù Việt Nam đã nhanh chóng khống chế được dịch bệnh nhưng tình hình trên thế giới còn diễn biến khó lường. Du lịch hiện mới chỉ khởi động thị trường nội địa và chuẩn bị các điều kiện, từng bước mở cửa đón khách quốc tế trở lại ngay sau khi tình hình dịch bệnh thế giới được kiểm soát.
Bài 2: Nỗ lực vượt khủng hoảng sau 2 dịch bệnh nghiêm trọng