Đây là nhận định lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 28/3.
Từ thực tế này, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các quận, huyện để chuẩn hóa các bài thuyết minh tại các di tích. Sau khi chuẩn hóa, các bài thuyết minh sẽ dịch ra các ngôn ngữ của các thị trường trọng điểm khách du lịch và sẽ là cẩm nang để các hướng dẫn viên truyền tải cho du khách. Sở Du lịch thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Sở sẽ liên kết với các viện, học viện, trường đại học, cao đẳng lựa chọn, bồi dưỡng một số sinh viên tiêu biểu tham gia đội hình hỗ trợ du khách tại các khu vực, điểm du lịch và sự kiện du lịch lớn của Thủ đô. Đồng thời, sở tiếp tục tổ chức bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch, kỹ năng giao tiếp cho cộng đồng tại các điểm du lịch, nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và cán bộ quản lý du lịch các cấp.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã và một số trường đại học, Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý du lịch tại một số địa phương và cộng đồng dân cư có làng nghề đang khai thác, phát triển du lịch.
Cụ thể, Sở đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 317 lái xe và nhân viên phục vụ trên ô tô vận chuyển khách du lịch, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho 1862 hướng dẫn viên, tổ chức lớp bồi dưỡng nhân cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư tại ba xã Ba Trại, Vân Hòa, Ba Vì (huyện Ba Vì) với sự tham gia của gần 500 người dân trên địa bàn.
Sở Du lịch Hà Nội tổ chức 8 lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý về du lịch từ cấp xã đến thành phố với 520 người tham gia tại các cụm: huyện Thanh Oai – Phú Xuyên – Thường Tín, huyện Đông Anh – Sóc Sơn – Mê Linh, quận Thanh Xuân – Hà Đông – huyện Chương Mỹ, quận Hoàn Kiếm – Ba Đình, huyện Quốc Oai – Thạch Thất – Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây – huyện Ba Vì.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức xã hội, văn hóa ứng xử và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đang trực tiếp tham gia phục vụ tại đơn vị. Tuy vậy, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của du lịch Hà Nội cần phải đẩy mạnh mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đón trên 6 triệu lượt khách du lịch (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó khách quốc tế đạt gần 1,3 triệu lượt (tăng 10%), tổng doanh thu du lịch đạt trên 18.000 tỷ đồng.