Xây điểm đến ấn tượng
Theo các chuyên gia du lịch, để có một điểm đến mời gọi và giữ chân được du khách, cần sự tổng hòa từ chất lượng sản phẩm du lịch tới hạ tầng, môi trường và sự chuyên nghiệp trong phục vụ.
Trong những năm qua, các điểm đến của Việt Nam đã tăng cường cải thiện hình ảnh qua các sự kiện lớn được tổ chức và chất lượng dịch vụ. Có thể lấy ví dụ như Quảng Ninh và Hà Nội: Quảng Ninh, một điển hình phát triển du lịch thần tốc những năm qua, với gần 5,7 triệu lượt khách quốc tế, có nghĩa là 1/3 số khách quốc tế đến Việt Nam đã tới Quảng Ninh. Cả tỉnh Quảng Ninh có 1.380 cơ sở lưu trú với 25.000 buồng, phòng với hạ tầng sân bay, các khu vui chơi giải trí. Còn Hà Nội được đánh giá là điểm đến thân thiện sau khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, cộng với những điểm nhấn về ẩm thực, nghề truyền thống…
Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam lưu ý: Nếu không cẩn thận, Hạ Long, trung tâm du lịch của Quảng Ninh sẽ biến thành thành phố biển không còn chỗ cho du khách nữa. Vì thế, khi phát triển du lịch phải có quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch, không thể phát triển tự nhiên và quá mải mê đầu tư.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã từng yêu cầu ngành du lịch phải giữ du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và trở lại sớm hơn. Tuy nhiên, có những vấn đề bản thân ngành du lịch không thể giải quyết được mà phải có sự phối hợp liên ngành. Sự hài lòng của du khách phụ thuộc rất nhiều vào những ngành khác chứ không phải chỉ ngành du lịch.
Qua khảo sát đánh giá sự hài lòng của du khách khi đến Việt Nam của Hội đồng tư vấn du lịch, nhóm các chỉ số mà du khách chưa thực sự hài lòng rơi vào: Giao thông; Ô nhiễm không khí, rác thải và hỗ trợ giải quyết các sự cố. Bên cạnh đó là thủ tục và phí visa còn chưa thuận tiện; đường bay thẳng ít, thời gian bay kéo dài.
Việc thiếu dịch vụ mua sắm, giải trí; sản phẩm độc đáo chưa có nhiều, không có sản phẩm quốc gia… cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
“Đây là những yếu tố mà các điểm đến cần phải cải thiện. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương”, ông Võ Anh Tài nhận xét.
Mặc dù ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, tăng từ vị trí 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019 và nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới về du lịch, nhưng Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lê Quang Tùng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Còn rất nhiều thách thức với phát triển đột phá, bền vững. Trong đó, chỉ số bền vững môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn...”.
Tháo gỡ để bứt phá
Ông Ngô Minh Đức, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có cơ chế để Quỹ hỗ trợ du lịch đi vào hoạt động trong năm 2020, sớm huy động được khoảng chục triệu USD từ các doanh nghiệp mỗi năm. Trong hơn một năm qua, do không có cơ chế rõ ràng nên hoạt động xúc tiến du lịch bị ảnh hưởng nhiều.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho biết: “Mô hình của Quỹ này hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Bộ sẽ cố gắng năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, đưa Quỹ đi vào hoạt động để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp”.
Trong khi đó, Hội đồng tư vấn du lịch cũng khẳng định với lượng khách quốc tế gia tăng như hiện nay đã dẫn đến quá tải hạ tầng hàng không. Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho biết, điều này là đương nhiên vì Việt Nam có 22 sân bay, nhưng tổng công suất mới chỉ ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)....
Để giải quyết vấn đề này, ông Chu Việt Cường, thành viên HĐQT Vietjet đề nghị: “Cần xã hội hóa mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng hàng không chứ không chỉ chờ vào nguồn vốn Nhà nước”.
Hiện nhiều quốc gia như Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay. Thái Lan cũng đã cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, Đại sứ Anh Gareth Warth chia sẻ: Rất nhiều khách du lịch châu Âu muốn khám phá những địa danh nổi tiếng của Việt Nam với sự đa dạng về tự nhiên, khí hậu, dân tộc, văn hóa, ẩm thực và lịch sử.
Đưa vào khai thác những trải nghiệm du lịch thú vị như chặng đua của giải Công thức 1 sắp tới tại Việt Nam cũng là cơ hội để thu hút du khách quốc tế tới du lịch và ở lại dài ngày. Tuy nhiên, Việt Nam cần sớm giải quyết và cải thiện những điểm yếu như: độ mở của chính sách thị thực; cách làm cũ kĩ, sáo mòn trong quảng bá xúc tiến; ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Năm 2019, du lịch đã có bước tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng bộc lộ nhiều áp lực, thách thức với Chính phủ, các Bộ, ngành cùng các doanh nghiệp. Do đó, để tạo sức bật cho ngành du lịch trong thời gian tới ưu tiên giải quyết vấn đề hạ tầng hàng không, môi trường trên cơ sở hợp tác chặt chẽ con người, nguồn lực công - tư để triển khai thực tế.