Trải nghiệm khó quên
Glamping không chỉ là cắm trại trong lều mà còn hơn thế nữa. Nó là phiên bản sang trọng hơn. Đây cũng là điều nhiều khách du lịch đang tìm kiếm, đặc biệt là trong thời kỳ hậu COVID-19. Glamping xoay quanh theo đuổi cảm giác tự do, trong điều kiện thoải mái, thư giãn, gần với thiên nhiên, thân thiện môi trường và mang đến cho khách du lịch sự xa hoa “giá cả phải chăng”.
Có thể nói, glamping giúp khách du lịch có trải nghiệm tương tự khách sạn nhưng ở ngoài trời. Du khách có thể tham gia nhiều hoạt động giải trí kết hợp với hòa mình vào thiên nhiên tại các địa điểm glamping như: Đi bộ xuyên rừng, leo núi, chèo thuyền vượt thác, lái xe địa hình...
Glamping còn gắn liền với ý tưởng về “tiện nghi mới”. Các tiện nghi như wifi, phòng tắm riêng, giường êm, điều hòa, dụng cụ nấu ăn chất lượng, xe địa hình và dịch vụ dọn phòng đang góp phần tăng sức hấp dẫn của glamping với du khách ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam thời gian qua
cũng xuất hiện nhiều khu glamping được du khách khen ngợi tại Đà Lạt, Nha Trang, Ninh Thuận…
Thuật ngữ glamping xuất hiện vào năm 2005 và gần đây đã trở thành một trong những xu hướng du lịch được ưa chuộng. Glamping đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ Mỹ đến châu Âu và châu Á. Năm 2022, du khách người Trung Quốc Yoga Song chia sẻ với kênh CNN (Mỹ) rằng cô đã thực hiện hơn 10 chuyếnglamping tại nước này, đến cả vùng nông thôn và ngoại ô thành phố.
Yoga Song bắt đầu chuyến đi glamping đầu tiên vào tháng 4/2021 tại thành phố Zhongwei ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc, nơi có sông, sa mạc, vùng đất ngập nước và những ngôi làng cổ. Có năm căn lều nằm cách dòng sông Hoàng Hà chỉ 10 mét, với tầm nhìn ra sa mạc Gobi ở phía bên kia. Yoga Song hồi tưởng: “Đêm đó, những người điều hành glamping gọi chúng tôi ra ngoài ngắm sao. Khi tôi bước ra khỏi lều, tất cả những đám mây che phủ bầu trời cuối cùng cũng tan biến. Bầu trời rộng lớn, tràn ngập ánh sao với sự yên tĩnh đến tột cùng”.
Bỏ lại phía sau sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống thành thị, du khách được tiếp xúc với một vùng Tây Bắc Trung Quốc đương đại chân thực. Yoga Song cho biết việc glamping ở đây còn mang đến cho du khách cơ hội gieo hạt, thu hoạch và nếm thử chà là, nho trồng tại địa phương. Dê, bò Tây Tạng và cừu thỉnh thoảng còn ghé qua lều của du khách.
Cả du khách và thiên nhiên đều hài lòng
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, lo ngại về sức khỏe ảnh hưởng đến cảm nhận của khách du lịch, tạo tâm lý quan ngại khi đi đến những điểm đến đông đúc xa nhà. Do đó, các dịch vụ chất lượng cao và môi trường tự nhiên bắt đầu được chú trọng hơn trong ngành dịch vụ không khói. Glamping trở thành một lựa chọn lý tưởng với các cơ sở lưu trú được bố trí rộng rãi, có thể đón nhóm khách nhỏ
hoặc khách du lịch một mình, khiến việc giãn cách xã hội trở nên khả thi.
Điều đáng chú ý là glamping thỏa mãn điều kiện “khoảng cách” nhưng không tạo ra “khoảng cách”. Có thể hiểu là khách du lịch không cảm thấy bị cô lập hoặc bị cắt đứt khỏi các hoạt động hoặc nhóm xã hội. Glamping còn được coi là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên. Nhiều người coi du lịch dựa vào thiên nhiên như một cách tạm trốn khỏi cuộc sống đời thường xô bồ, bận rộn, tránh tình trạng chen chúc nhằm cải thiện sức khỏe của họ. Những đổi mới của glamping đáp ứng ba nhu cầu bền vững của khách du lịch, đó là cơ sở vật chất và trải nghiệm, sức khỏe và an toàn cũng như khả năng tiếp cận và hòa nhập.
Ngoài chỗ ở trong lều, với glamping, du khách còn có thể lựa chọn lưu trú trong yurt (lều tròn truyền thống), nhà trên cây, cối xay gió, xe du lịch tự lái, toa tàu, lều safari, lều chuông… được thiết kế đặc biệt với tất cả tiện nghi không kém khách sạn.
Hiện tại, nhóm du khách từ 26 đến 40 tuổi đang dẫn đầu nhu cầu về kỳ nghỉ cắm trại sang trọng. Tuy nhiên, xu hướng glamping dường như không chỉ thu hút những đối tượng này. Nhân viên cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn khỏi công việc văn phòng, người sống ở trung tâm thành phố muốn hòa mình vào thiên nhiên, cặp vợ chồng trẻ, gia đình có trẻ em, người đi du lịch một mình và thậm chí cả những người lớn tuổi đều có thể trải nghiệm glamping bởi hình thức này không tạo bất kỳ rào cản hay hạn chế nào đối với hoạt động, điều kiện sống của họ.
Một số khu glamping chủ yếu tập trung vào tạo trải nghiệm đặc biệt gần gũi với động vật hoang dã, trong khi những địa điểm khác thuộc các khu phức hợp nghỉ dưỡng lớn hơn.Glamping còn được coi là “đại sứ” của du lịch bền vững. Du lịch bền vững hướng tới tương lai, chú trọng đến yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Các địa điểm glamping được thiết kế để lưu ý đến tác động của chúng đối với
động vật hoang dã và môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạonhư năng lượng mặt trời, máy tạo nước uống từ độ ẩm trong không khí... Điều này có nghĩa là bạn có thể tận hưởng không gian ngoài trời tuyệt vời mà không cảm thấy tội lỗi khi để lại lượng khí thải carbon lớn.
Các cấu trúc lưu trú của glamping thường được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có tính năng tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như hầu hết các địa điểm glamping ở châu Âu có vòi sen sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài ra, glamping có thể giúp khách hàng tránh thực phẩm được đóng gói sẵn và chế biến sẵn, giảm lượng rác thải bởi họ được tiếp cận nông sản, thực phẩm tươi ở địa phương. Hình thức du lịch ở ngoài trời này có lợi cho môi trường vì các địa điểm đã được thiết lập sẵn và bảo trì để không gây xáo trộn môi trường khi dỡ lều hoặc để lại rác thải gần khu cắm trại.