Hiện nay, mỗi năm, Nha Trang đón trên dưới 5 triệu du khách trong nước và quốc tế đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng. Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Nha Trang tiếp tục đóng vai trò đô thị “hạt nhân”. Từ lâu, Nha Trang đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, tôn tạo môi trường vẫn còn bất cập cần tháo gỡ.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Du lịch Nha Trang phát triển nhanh nhờ những giá trị của vịnh Nha Trang, dòng sông Cái và nét văn hóa biển, đảo độc đáo mang lại. Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới với cảnh quan vừa kỳ vĩ, vừa thơ mộng. Chính sự đa dạng về địa hình giữa đồng bằng, đồi núi và vịnh biển, các đảo đã tạo cho Nha Trang những danh lam, thắng cảnh hiếm nơi nào có được.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, nhận xét, biển Nha Trang rộng gần 500 km2, bao gồm toàn bộ vịnh cùng tên với gần 250 km2. Vùng biển này có nhiều đảo lớn, nhỏ nằm rải rác, trong đó tập trung 19 đảo với khoảng 37,8 km2 trong vịnh. Đảo Hòn Tre có diện tích lớn nhất (khoảng 36 km2), án ngữ phía Đông - Đông Nam khiến vịnh Nha Trang kín gió, êm sóng, tuyệt đẹp, là nguồn vốn tự nhiên biển, đảo quý giá không chỉ của Nha Trang mà còn của quốc gia và toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hồi cũng cho rằng, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang quá lớn, trong khi thể chế quản lý, năng lực và quyền hạn của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn. Việc bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên biển, đảo Nha Trang theo hướng bền vững còn bất cập. Chất lượng môi trường nước trong vịnh suy giảm khiến các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... ngày càng thu hẹp diện tích. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm như: Khai thác thủy sản hủy diệt bằng chất nổ, chất độc trong quá khứ; môi trường xấu khiến san hô bị bệnh, bùng nổ sao biển gai; hoạt động san lấp, lấn biển và du lịch; hiện tượng tẩy trắng san hô dưới tác động thiên tai, biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương.
Nhìn chung, mục tiêu bảo tồn bền vững vịnh Nha Trang vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và cộng đồng dân cư chưa thực sự tham gia vào quá trình quản lý vịnh. Việc kiểm soát các hoạt động phát triển, nhất là du lịch và nghề cá cũng như nguồn thải vào vịnh còn bất cập…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hồi đề xuất: Cần bảo tồn nguồn vốn tự nhiên biển để phát triển kinh tế biển xanh gắn với phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng Nha Trang; phục hồi các hệ sinh thái tiêu biểu trong vùng biển, đảo Nha Trang đã bị suy thoái, bị suy giảm diện tích, trước hết là rạn san hô, thảm cỏ biển; tạo thêm các vườn ươm san hô kết hợp du lịch khoa học.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, chuyên gia sinh thái biển, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong các ngành kinh tế biển xanh đang hiện hữu ở Nha Trang, du lịch biển là ngành chủ đạo, đã đạt nhiều thành tựu, phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổ chức nhiều loại hình khám phá, giải trí trên biển và trong lòng biển, định hướng phát triển cảng biển du lịch đang đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch ven bờ và trên đảo đang làm gia tăng lắng đọng trầm tích dẫn đến suy thoái môi trường biển. Ngay ở Hòn Mun - vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, tình trạng suy thoái đã xảy ra, bắt đầu từ 2016. Do vậy, việc phát triển bền vững du lịch biển đang là vấn đề cần được quan tâm.
Ông Võ Sĩ Tuấn nhấn mạnh, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ đất liền đối với vịnh Nha Trang và phát triển du lịch cao cấp, việc các nhà khoa học đề nghị UNESCO công nhận phức hợp Hòn Bà - Sông Cái - vịnh Nha Trang là khu dự trữ sinh quyển thế giới là hướng đi phù hợp.
Ở một khía cạnh khác, kỹ sư Trần Giỏi, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa thông tin, theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - tiêu chuẩn thiết kế đối với đô thị loại I như Nha Trang là 10-12m2/người, trong khi hiện tại cây xanh Nha Trang chỉ ở khoảng trên 2m2/người. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên (TCXDVN 362:2005), từ số lượng, diện tích, tiêu chí về mỹ quan đô thị, thân thiện với môi trường và an toàn sinh học, đa dạng thảm thực vật, cơ sở hạ tầng tương ứng, các địa điểm mang tên “công viên” ở Nha Trang đều chưa đáp ứng. Điều này cần được khắc phục sớm và thường xuyên, liên tục.
Phát triển du lịch xanh và bền vững
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa có 3 vùng động lực phát triển là Khu vực vịnh Vân Phong, Khu vực vịnh Cam Ranh và thành phố Nha Trang, trong đó Nha Trang sẽ trở thành trung tâm của các vùng động lực này. Nha Trang sẽ phát triển trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của một cực tăng trưởng quan trọng, là cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh.
Đề cập đến xu hướng phát triển của Nha Trang trong tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mặc dù Nha Trang được quy hoạch, phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát thải carbon thấp, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai, lấy phát triển du lịch, các loại dịch vụ làm động lực phát triển nhưng nơi đây vẫn phải chú trọng đúng mức việc phát triển các ngành công nghiệp.
Nha Trang chỉ nên ưu tiên thu hút đầu tư những ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, nhất là các ngành công nghệ cao như sản xuất phần mềm. Đồng thời cần thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế nguồn tài nguyên truyền thống; xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Thàng phố cần thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hiện có chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh hơn. Đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường. Nha Trang cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư ra khỏi thành phố; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp.
Thành phố cần “bám sát” tỉnh Khánh Hòa trong việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp như Diên Phú, Trảng É, Đắc Lộc, Sông Cầu... tại các huyện Diên Khánh, Cam Lâm để di dời cơ sở chế biến thủy sản, nước mắm, công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở nội đô vào các cụm công nghiệp này, ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh thêm.
Định hướng cho Khánh Hòa và thành phố Nha Trang trong phát triển du lịch xanh, bền vững ở, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, Khánh Hòa tăng cường quản lý điểm đến, môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh; khuyến khích áp dụng giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch. Đồng thời, tỉnh cần kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển; lồng ghép giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu với hoạt động phát triển du lịch biển, đảo; ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường biển đến hoạt động du lịch…
Nha Trang - Khánh Hòa cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường.