Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, Tổng cục Du lịch sẽ là đơn vị thường trực trong việc phòng chống dịch bệnh Ebola trong ngành du lịch.
Lao động về từ Libya làm thủ tục kiểm tra y tế tại sân bay Nội Bài |
Trong đó, Tổng cục Du lịch chỉ đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành quốc tế không đưa khách du lịch đến các quốc gia đang vùng phát dịch Ebola mục tiêu hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh Ebola theo con đường du lịch.
Theo đó, các đơn vị du lịch hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch y tế, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe theo đúng quy định khi đón các đoàn khách quốc tế đến từ các thị trường liên quan đến dịch bệnh; chỉ đạo các khách sạn, cơ sở lưu trú có phương án phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ, chủ động khai báo và thông tin kịp thời tới các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của dịch bệnh.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch chủ động xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Ebola trong ngành du lịch; thường xuyên nắm bắt thông tin, thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh trên trang tin điện tử của Tổng cục Du lịch, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Ebola.
Theo Tổng cục Du lịch, đến thời điểm này, dịch bệnh Ebola ít nhiều có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành, hiện không có du khách ở Việt Nam sang các nước Tây Phi, số người sang khu vực này chủ yếu là đối tượng xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, số lượng khách du lịch ở Tây Phi đến Việt Nam cũng rất ít, chủ yếu là những trường hợp quá cảnh, đi qua Việt Nam để sang Thái Lan hoặc một số nước khác trong khu vực.
*Nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, ngày 12/8/2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh như sau: Kiểm tra, rà soát, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 16/8/2014 về lao động do doanh nghiệp đưa sang làm việc tại khu vực có dịch bệnh nói riêng (nếu có) và khu vực châu Phi nói chung; tuyên truyền cho người lao động đang sống, làm việc tại các khu vực có dịch bệnh tự để chủ động phòng chống bệnh hiệu quả.
Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không đưa lao động sang các vùng đang có dịch bệnh cũng như các vùng có khả năng lây dịch cao. Về phía người lao động, nếu nghi ngờ nhiễm vi rút, phải thông báo ngay cho người sử dụng lao động, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại và các cơ quan y tế để được cách ly và điều trị.
XM