Du lịch xanh ở Tiền Giang

Nằm ở cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là một vùng sông nước có phong cảnh hữu tình. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và là điểm đến của các tour du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng khu vực phía Nam được biết đến với loại hình du lịch xanh.

Nhiều tiềm năng

Tỉnh Tiền Giang có 21 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 125 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 24 khu và điểm du lịch chính cùng 14 làng nghề truyền thống. Trong đó, nhiều khu di tích và điểm du lịch tiềm năng lớn như khu di tích khảo cổ Gò Thành (Chợ Gạo) tiêu biểu cho nền văn minh Óc Eo cách đây 15 thế kỷ; khu lăng mộ Trương Định ở thị xã Gò Công; lăng Hoàng Gia (thị xã Gò Công) - nơi an nghỉ của đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, cha bà Từ Dũ Thái Hậu; bãi biển Tân Thành; khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; hệ thống cù lao cồn bãi trên sông Tiền giàu bản sắc văn hóa miền sông nước; làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè)…

Du khách tham quan cảnh quan sông nước bằng xuồng trên cù lao Thới Sơn.


Để tận dụng tiềm năng này, tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa khái niệm du lịch sinh thái bằng nhiều hoạt động hấp dẫn: Du thuyền trên sông, thăm vườn cây ăn trái, nghe đàn ca tài tử, tìm hiểu ngành nghề truyền thống, khám phá nhịp sống miền sông nước châu thổ, ẩm thực miệt vườn Nam Bộ… Cù lao Thới Sơn vốn là vùng sông nước bình yên ngàn đời nay sống động hẳn lên từ hoạt động du lịch. Sau gần ba mươi năm kể từ những bước đầu tiên "khai sơn phá thạch” phát triển du lịch, Thới Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, là trung tâm đón các tour du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Tiền Giang và khu vực sông Tiền. Hiện, mỗi năm, các tuyến điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn đón trên nửa triệu du khách.

Để biến tiềm năng phát triển du lịch thành hiện thực, năm 1986, Công ty Du lịch Tiền Giang xây dựng Khu du lịch Thới Sơn tại cù lao Thới Sơn (cồn Lân) - một trong 4 cù lao nổi tiếng trên sông Tiền và nằm ven thành phố Mỹ Tho. Theo ông Bùi Văn Bảo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, tại cù lao Thới Sơn có 320 đò chèo phục vụ du lịch, trên 1.500 lao động tham gia hoạt động đưa đón khách du lịch và kinh doanh du lịch tại 14 tuyến điểm du lịch trên địa bàn. Hoạt động du lịch sinh thái miệt vườn phát triển đã giúp người dân Thới Sơn nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 41 triệu đồng/năm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong cho biết tỉnh có thuận lợi để phát triển du lịch với các vùng sinh thái như: vùng ven sông Tiền và cù lao, cồn bãi trên sông; vùng sinh thái ngập nước mà điển hình là Đồng Tháp Mười và ngập lũ phía tây; vùng sinh thái mặn ven biển Gò Công. Từ hình mẫu phát triển du lịch của cù lao Thới Sơn, tỉnh xây dựng thêm nhiều khu du lịch mới như: Khu du lịch biển Tân Thành-Hàng Dương, khu du lịch Chợ Nổi Cái Bè, khu du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp,…

Liên kết để phát triển

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây, lượng du khách đến Tiền Giang tăng nhanh và ổn định với mức tăng bình quân 10%/năm. Năm 2014, tỉnh đón trên 1,42 triệu lượt du khách trong đó có trên 500.000 lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh đón trên 768.000 lượt du khách, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014. Dự kiến năm 2015, toàn tỉnh đón 1,5 triệu lượt du khách trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế.

Để phát triển loại hình đầy tiềm năng này, Tiền Giang coi trọng thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát triển du lịch xanh bền vững. Tỉnh mời gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch xanh gắn với du lịch cộng đồng; tăng cường xã hội hóa hoạt động du lịch; qua đó, huy động vốn của các thành phần kinh tế, của người dân tham gia kinh doanh du lịch thông qua việc dựng tuyến - điểm du lịch, homestay…

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại - Du lịch Tiền Giang, cho biết theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt có 22 dự án du lịch được mời gọi đầu tư với tổng số vốn 8.360 tỉ đồng, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương; khu nghỉ dưỡng - khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn; khu du lịch sinh thái cồn Ngang… Song đến nay, chỉ mới có 2 dự án du lịch có nhà đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn này, theo ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cần có sự liên kết vùng và tiểu vùng nhằm đưa ngành "công nghiệp không khói" đi lên vững chắc. Tiền Giang có chương trình liên kết, hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Tỉnh còn hợp tác, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại doanh nghiệp và các khu du lịch…
Anh Đức - M.T - Minh Trí
Liên kết để phát triển bền vững
Liên kết để phát triển bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết lại, đây là con đường duy nhất để phát triển du lịch bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN