Liên kết để phát triển bền vững

Nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết lại, đây là con đường duy nhất để phát triển du lịch bền vững.

Thiếu tính liên kết

Nhắc đến việc liên kết vùng để phát triển du lịch, theo các chuyên gia có hai vấn đề: Một là chưa có một cơ chế liên kết vùng có tính pháp lý để vừa ràng buộc, vừa tạo điều kiện thuận lợi hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và hai là hạn chế nguồn nhân lực.

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một trong những lễ hội thu hút đông khách du lịch hàng năm. Ảnh: Công Mạo-TTXVN


Ông Phạm Ngọc Hòa, Học viện Chính trị khu vực IV, cho rằng đến nay vùng ĐBSCL chưa có mô hình, cơ chế, hình thức quản lý cho toàn vùng mà mỗi tỉnh thành có một kiểu quản lý riêng. Chính vì vậy, ĐBSCL chưa chú trọng đến liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến quảng bá du lịch nên đã ảnh hưởng đến vị thế, sức cạnh tranh du lịch chung của vùng.

Mặc dù, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng ĐBSCL hội đủ những yếu tố để phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, hoạt động du lịch của vùng chỉ dừng lại ở mức độ dân dã, tự phát, sao chép lẫn nhau… dẫn đến đơn điệu, thiếu sắc thái riêng. Nhiều điểm tham quan chú trọng khai thác tài nguyên có sẵn mà không trùng tu, dịch vụ gần như không có gì thay đổi trong nhiều năm qua dẫn đến sự nhàm chán, khiến du khách thất vọng. Các sản phẩm du lịch chỉ tập trung vào việc chở khách tham quan bằng tàu, thăm miệt vườn, biểu diễn đờn ca tài tử… Du khách chỉ cần đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng.
Sự hạn chế về nguồn nhân lực cũng là một trong những nguyên nhân lớn kìm hãm sự phát triển hoạt động du lịch vùng ĐBSCL. Đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch của ĐBSCL thấp, cán bộ quản lý và lao động nghiệp vụ phần đông chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được xác định là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Thế nhưng, theo Ths.Trương Đức Cường, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu, vừa thiếu số lượng vừa yếu chất lượng. Theo đó, chỉ có khoảng 20% nhân lực ngành qua đào tạo, còn có tới 80% chưa qua đào tạo nhưng vẫn làm du lịch bằng những nghề phổ thông như: Phục vụ buồng, bàn, bar, phụ bếp, hướng dẫn viên là người địa phương… là lao động phổ thông được tuyển chọn trực tiếp.

Cần tháo nút thắt

Theo các chuyên gia, để xây dựng liên kết vùng có hiệu quả thì trước mắt Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là cơ quan đứng ra chủ trì, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng mô hình liên kết du lịch phù hợp cho vùng. Đồng thời cần có quy hoạch chung nhất cho cả vùng, trong đó chú trọng đến bốn lĩnh vực du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch làng nghề và những tour hỗn hợp. “Để hình thành mô hình liên kết cho vùng, thì việc liên kết phải bắt đầu từ các cơ quan nhà nước, cụ thể là Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các tỉnh, thành với các công ty du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời cần liên kết với các nước trong tiểu vùng sông Mekong nhằm phát triển bền vững trong hoạt động du lịch. Ví dụ như thiết kế tour khám phá sông nước, đi xuyên qua nhiều vùng để tạo ra những biến đổi kỳ thú, hấp dẫn du khách”, ông Hòa cho hay.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách để thực hiện xã hội hóa trong hoạt động du lịch tránh sự phân tán dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại cho bộ mặt du lịch chung cả vùng. Việc đáp ứng đủ nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp là việc cần phải làm ngay trong thời gian tới.

Về giải pháp, cần xác định là đào tạo không thể do các địa phương tự làm mà cần nằm trong mối liên kết vùng. Các tỉnh cần có sự thống nhất trong cách triển khai, chung giáo trình nhưng vẫn có các phần mềm đối với các địa phương có đặc trưng riêng theo sắc thái dân tộc. Làm được điều này, sẽ tạo ra tính thống nhất nhưng vẫn phong phú và đa dạng đối với các sản phẩm du lịch của từng địa phương.

Ngành chức năng cần phải biên soạn lại hệ thống giáo trình chuẩn, phù hợp với đặc điểm vùng và thống nhất áp dụng cho cả khu vực, phù hợp với điều kiện đào tạo của các địa phương để đảm bảo cho người học có nhiều thời gian thực hành kỹ năng. Đồng thời, có cơ chế trao đổi giáo viên, mời chuyên gia giỏi cho các cơ sở đào tạo và cả trao đổi học sinh, chia giai đoạn đào tạo cho từng trường. Cuối cùng, rất cần vai trò của nhà nước trong việc tạo ra cơ chế, chính sách, đầu tư, đào tạo cán bộ, mở rộng thị trường du lịch…

Ông Bùi Xuân Dũng, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo chuyên ngành và các doanh nghiệp du lịch để đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế. “Muốn được vậy, nhà nước phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia vào khâu đào tạo du lịch để xã hội hóa giáo dục bằng việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, tạo điều kiện thực tập và tiếp nhận sinh viên, học sinh tốt nghiệp vào làm việc”, ông Dũng khẳng định.

Ngoài ra, quá trình phát triển du lịch xanh của vùng ĐBSCL cũng cần hết sức quan tâm đến đào tạo nghề du lịch cho nông dân đang khai thác lợi thế phát triển du lịch. Trong đó, tập trung đào tạo các kỹ năng về tiếp đón, thuyết minh, hướng dẫn tại chỗ, phục vụ khách ăn nghỉ tại nhà, vận chuyển thô sơ, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, giới thiệu và trình diễn quy trình làm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống… Điều này sẽ giúp hoạt động dịch vụ du lịch của vùng ĐBSCL ngày càng chuyên nghiệp trong mắt du khách.
Anh Đức - M.T - Minh Trí
Đồng bộ nhiều giải pháp
Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ý kiến của các chuyên gia, cần có một giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm phát triển bền vững ngành du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN