Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua cho thấy du lịch Việt đã bộc lộ không ít điểm yếu khi giá vé máy bay "nhảy múa" rồi bất ngờ quay đầu giảm khiến cả người dân và ngành du lịch trở tay không kịp. Giá dịch vụ ăn uống, lưu trú ở một số nơi cũng “té nước theo mưa”... Số lượng khách tại một số điểm đến nổi tiếng cũng vì thế mà không đạt như kỳ vọng.
Xoay quanh câu chuyện tăng cường liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, góp phần giúp ngành công nghiệp không khói này phát triển ổn định và bền vững, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).
Nhìn lại câu chuyện du lịch kỳ nghỉ lễ vừa qua, có hiện tượng giá vé máy bay tăng cao trong một thời gian dài, sau đó lại bất ngờ giảm mạnh ngay trước kỳ nghỉ 30/4, làm khó cả du khách lẫn ngành du lịch. Cùng với đó, giá phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống... tại nhiều điểm đến mỗi kỳ nghỉ lễ cũng tăng, thậm chí còn xảy ra hiện tượng chặt chém. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Lý do giá vé máy bay tăng cao khoảng 20-40% trước dịp nghỉ lễ cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ. Nhu cầu đi lại của người dân về thăm quê hay đi nghỉ dưỡng vào dịp lễ tăng mạnh, giá nhiên liệu thời gian qua cũng liên tục biến động đi lên, cùng với chi phí và tần suất vận hành đều cao… là một vài yếu tố tác động đến giá vé máy bay.
Tuy nhiên đó có thể chưa phải tất cả. Nhìn sang các nước khác với bối cảnh tương tự, giá vé dù có tăng, nhưng không tăng cao đột biến đến như vậy.
Rồi đến sát kỳ nghỉ, giá vé lại giảm sâu. Điều này không khó lí giải bởi khi giá vé tăng quá cao, tâm lý người dân sẽ không muốn đi du lịch nữa hoặc lựa chọn bay những chặng rẻ hơn do giá vé máy bay thường chiếm khoảng 40-50% tổng giá trị một tour du lịch trọn gói. Nhiều người thậm chí chọn tour nước ngoài với chi phí tương đương hoặc ít tốn kém hơn. Điều này khiến nhu cầu đi lại trong nước giảm, giá vé hạ nhiệt là tất yếu.
Biến động trên làm khó cả hành khách và ngành du lịch. Bởi với khách hàng đã mua vé máy bay, họ sẽ thấy bức xúc và hụt hẫng vì mua vé sớm lại đắt hơn nhiều giá vé sát kỳ nghỉ. Các công ty du lịch cũng không kịp trở tay bởi thời điểm giá vé hạ, hầu hết khách hàng đã chốt xong tour. Vì vậy, vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng để có hướng khắc phục, tránh xảy ra trong các kỳ nghỉ tới.
Ngành du lịch trong suốt thời gian qua cũng đã chấn chỉnh hiện tượng giá phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống... tại nhiều điểm đến mỗi kỳ nghỉ lễ cũng tăng, thậm chí còn xảy ra hiện tượng chặt chém. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại ở một số nơi.
Tôi cho rằng đây là tư duy “mùa gặt”, nếu không sớm thay đổi sẽ đẩy du lịch Việt Nam vào bước lùi, không giúp ngành du lịch phát triển bền vững. Do vậy, các cơ quan quản lý điểm đến lưu tâm hơn nữa để chấn chỉnh chất lượng dịch vụ, làm sao để khách du lịch hài lòng và quay trở lại.
Bên cạnh đó, các điểm đến hiện nay đều có những số điện thoại đường dây nóng (hotline) để khách du lịch phản ánh nếu gặp hiện tượng chặt chém, dịch vụ không tương xứng với số tiền bỏ ra. Việc phản ánh sẽ góp phần giúp ngành du lịch chấn chỉnh lại.
Du lịch Việt được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Vậy ngoài những rào cản vừa chia sẻ ở trên, theo ông, đâu là những tồn tại, hạn chế và thách thức với ngành du lịch hiện nay?
Nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch đã thay đổi rất nhiều sau dịch COVID-19. Tuy nhiên ngành du lịch hiện còn thiếu những nghiên cứu thị trường, không nắm bắt kịp những thay đổi, xu hướng mới của khách du lịch để từ đưa ra sản phẩm phù hợp. Chúng ta cần đưa đến cho du khách những món ăn khách mong muốn chứ không phải mời chào những món ăn có sẵn.
Ngoài ra, đặc điểm nổi bật của thị trường khách du lịch nội địa là tính mùa vụ, thường đi tập trung vào các dịp lễ tết, đợt nghỉ kéo dài hoặc mùa hè. Do đó, ngành du lịch cần đưa thêm những sản phẩm để thu hút khách du lịch quanh năm.
Song song với đó, việc quản lý điểm đến còn chưa tốt, cần có tư duy về phát triển và tăng quản lý điểm đến để tránh tồn tại những dịch vụ không đạt chuẩn, hoặc đưa thông tin cảnh báo quá tải để điều hướng khách du lịch, tránh những thời điểm và địa điểm quá tải, giúp tăng trải nghiệm khách hàng.
Câu chuyện té nước theo mưa, tăng giá dịch vụ, giá vé máy bay vào kỳ nghỉ lễ không phải mới lần đầu xảy ra. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này về lâu dài là gì?
Tôi cho rằng cần vai trò một người nhạc trưởng để điều tiết mọi hoạt động của ngành du lịch nhất là trong các dịp nghỉ lễ.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phụ thuộc vào rất nhiều ngành khác. Một chuyến đi của du khách không chỉ sử dụng dịch vụ của ngành du lịch mà còn cả dịch vụ hàng không, vận chuyển… Do đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đóng vai trò quan trọng để điều tiết, điều phối mọi hoạt động du lịch được trôi chảy.
Ngoài ra, việc tăng cường quản lý điểm đến cũng cần lưu tâm. Một số điểm đến như Huế, Đà Nẵng… đã có biện pháp quản lý tốt, các cơ sở dịch vụ phải nghiêm túc niêm yết giá, không nâng giá phòng hoặc ép giá đối với du khách…
Và hơn cả, nhìn từ kỳ nghỉ lễ vừa qua thấy rõ còn thiếu sự bắt tay giữa du lịch và hàng không. Kết nối với nhau bằng mối quan hệ cộng sinh, du lịch mang đến nguồn khách cho hàng không và ngược lại, hàng không tạo đà cho phát triển du lịch.
Nếu hai ngành hợp tác, kết nối để đưa ra những gói combo bao gồm cả dịch vụ du lịch và hàng không với giá thành không cao hơn nhiều so với bình thường thì khách hàng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!