Du lịch tàu biển - Bài cuối: Lối đi nào cho du lịch tàu biển?

Trong chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn 2020-2030, du lịch biển đảo có vị trí rất quan trọng, vì vậy ngành du lịch và địa phương có du lịch tàu biển cần sớm có quy hoạch, định hướng đầu tư, để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng khả năng chi trả cao của khách tàu biển.

Tàu du lịch biển cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).


Cần tạo ra sản phẩm đặc thù

Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Công ty du lịch Tân Hồng cho biết: Đối tượng đi tàu biển thường là người giàu, người có tuổi, đòi hỏi dịch vụ cao cấp tương đương với dịch vụ trên tàu, trong khi dịch vụ tại chỗ của ta thường thấp nên khó hấp dẫn khách và kéo khách lên bờ. Do đó, với tour trong ngày như với điểm đỗ Hạ Long, du khách chọn các tour đi Hà Nội (chọn điểm Bảo tàng Hồ Chí Minh- Hỏa Lò- Phố cổ) hoặc tour đi Hạ Long (thăm vịnh, chèo kayak). Với những điểm đến là miền Trung, tour thường được khách chọn là Đà Nẵng- Huế- Hội An. Tại miền Nam là khu vực quanh Bà Rịa- Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi đi tour, đến tối họ thường quay lại tàu ngủ và hưởng các dịch vụ cao cấp trên tàu.

Do chỉ mua tour cơ bản, nên thực tế chi phí của khách này tại Việt Nam thường thấp, bởi ngoài giá tour đi tham quan các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch vẫn chưa có dịch vụ hấp dẫn khách. “Một trong những loại hình du lịch mà khách tàu biển ưa chuộng là shopping và các dịch vụ giải trí. Chính vì vậy, những điểm đỗ của tàu biển du lịch cần có quy hoạch về các điểm bán hàng đạt chuẩn để HDV giới thiệu với du khách. Ngoài ra muốn khách lưu lại trên bờ dài ngày phải có dịch vụ cao cấp để đáp ứng đối tượng khách này”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhận xét.

Anh Hoàng Long, một hướng dẫn viên lâu năm trong nghề cho biết, về đồ lưu niệm, du khách thường nhận xét “hàng nhiều nhưng thiếu hàng độc đáo”. Có lần vợ chồng du khách Mỹ mua một mặt hàng truyền thống đặc trưng của Việt Nam để bổ sung vào bộ sưu tầm đi du lịch của mình. Hàng hóa rất nhiều và hiện đại nhưng một sản phẩm lưu niệm là đặc trưng của đất nước Việt Nam thì không có. Cuối cùng thì họ cũng tạm mua một bộ tranh thêu có giá trên 3.000 USD, tạm biệt Việt Nam họ vẫn không quên nhắc: “Các bạn có cái để bán đấy, nhưng phải mất công tìm quá”.

Cùng quan điểm này, đại diện Công ty Du ngoạn Việt cho biết: “Khách tàu biển là đối tượng chi trả cao và họ rất thích mua hàng truyền thống bản địa. Tuy nhiên, mặt hàng này chúng ta vẫn thiếu sự độc đáo cũng như làm ra những sản phẩm mà du khách cần như tiện lợi, nhỏ gọn. Chính vì vậy, ngoài các sản phẩm truyền thống, các tour du lịch tàu biển có thể ghé vào thăm quan các làng nghề truyền thống…, phát triển điểm dừng chân mua sắm trên cung đường tour hợp lý để khách vừa nghỉ ngơi vừa mua sắm”.

Đầu tư hạ tầng và xúc tiến dài hạn

Hiện nay, dễ nhận thấy Việt Nam mới chỉ là điểm dừng chân quá cảnh khi đến Việt Nam. “Cái thiếu hiện nay là cảng biển để khách đi vào thuận tiện hơn. Tiếp đến là sự chuyên nghiệp, văn minh trong dịch vụ tại các điểm tiếp đón như nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch văn minh. Khách tàu biển lên tàu ở các nước lân cận như Xinhgapo, Hồng Công (Trung Quốc), Thái Lan. Trục Xinhgapo - Hồng Công là trục chính khách du lịch tàu biển đi trong khu vực, và Việt Nam lại nằm chính giữa rất thuận tiện trong cả hành trình đi trong khu vực. Đây là thuận lợi rất lớn cho chúng ta trong khai thác du lịch tàu biển. Hiện nay, Xinhgapo và Hồng Công đã xây dựng cảng khách thứ 2 có sức chứa hạng tàu rất lớn khoảng 5.000 khách. Họ đã sẵn sàng đón những tàu rất lớn đến và chúng ta được hưởng lợi từ sự đầu tư đó, do đó Việt Nam cũng cần có chiến lược đón tàu biển đến Việt Nam”, ông Vũ Duy Vũ, Phó giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist nhận xét. “Dọc bờ biển có rất nhiều địa điểm có thể xây dựng cảng biển du lịch như: Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM… Với góc độ của doanh nghiệp, mới đây, chúng tôi đã đầu tư xây dựng cầu tàu du lịch ở Bãi Cháy để đáp ứng chuyển tải khách từ tàu vào đất liền thuận lợi hơn, giúp khách đi tour trong đất liền thuận lợi hơn trong bờ”, ông Vũ Duy Vũ cho biết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Nếu đã xác định thu hút du lịch tàu biển, chúng ta sớm có cảng biển chuyên dụng. Tại các cảng biển chuyên dụng tàu biển du lịch, hệ thống hạ tầng dịch vụ không khác gì so với cảng sân bay. Ngành du lịch Xinhgapo cũng đã cử chuyên gia tới Việt Nam, hợp tác khảo sát điểm có thể xây dựng cảng du lịch tàu biển.

Du lịch tàu biển Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển. Đối tượng khách du lịch tàu biển đa phần từ Mỹ, châu Âu và các nước trong khu vực như Xinhgapo, Hồng Công, Ôxtrâylia nên ngành du lịch cũng cần tập trung xúc tiến quảng bá. Riêng với khách tàu biển thường có kế hoạch lịch trình cho tàu trước đó từ 1-2 năm. Do đó, với những người làm du lịch tàu biển phải lên kế hoạch xúc tiến, quảng bá, khả năng đón tiếp đối với hãng tàu biển phải khớp nhau. “Khách tàu biển có đặc điểm riêng là chọn chất lượng dịch vụ chất lượng cao, chính vì vậy trên thị trường chỉ có khoảng 10 công ty chuyên đối tượng khách này và chủ yếu là quảng bá qua các hãng tàu biển lớn thế giới. Thường đã làm tốt với công ty nào thì các công ty du lịch tàu biển chỉ chuyên làm với công ty đó và phải đặt chữ tín lên hàng đầu”, đại diện Công ty Du ngoạn Việt cho biết. Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch cũng cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến thông qua các hội chợ chuyên đề về du lịch tàu biển; công bố quy hoạch phát triển du lịch biển, tour tuyến điểm đến để các doanh nghiệp có cơ sở giới thiệu quảng bá tới các hãng tàu biển trên thế giới.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Du lịch tàu biển - Bài 1: Chưa xứng với tiềm năng
Du lịch tàu biển - Bài 1: Chưa xứng với tiềm năng

Với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển cùng nhiều vịnh và bãi biển đẹp, Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến thu hút các khách tàu biển, từ nhiều năm nay, các hãng tàu biển hoạch định chương trình du lịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có điểm đến là Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN