Du lịch tàu biển - Bài 1: Chưa xứng với tiềm năng

Với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển cùng nhiều vịnh và bãi biển đẹp, Việt Nam vẫn được coi là một trong những điểm đến thu hút các khách tàu biển, từ nhiều năm nay, các hãng tàu biển hoạch định chương trình du lịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có điểm đến là Việt Nam. Thế nhưng, lượng khách đến Việt Nam bằng tàu biển trong khoảng ba năm gần đây vẫn ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến bằng tàu biển là 25.000 lượt khách, giảm khoảng 20% so với năm trước.

Vẫn lưu đỗ ít ngày

Lý giải về lượng khách đến bằng tàu biển thời gian qua giảm, ông Vũ Duy Vũ, Phó giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist cho biết: Gần đây, lượng tàu biển đến Việt Nam không chỉ dừng ở 1 cảng mà là 2-3 cảng, và ngày càng có xu hướng đi nhiều cảng của Việt Nam. Một số tàu đã lưu trú qua đêm, nhưng hiện chủ yếu vẫn là sáng đến tối đi.

Tàu du lịch bị tàu của dân đeo bám bán hàng rong.


Bên cạnh đó, Việt Nam là điểm thu hút khách tàu biển nhưng dịch vụ du lịch tại các điểm nghèo nàn nên chưa hấp dẫn du khách. Ông Vũ cho biết thêm: Trong thời điểm hiện nay, khủng hoảng kinh tế đã có ảnh hưởng phần nào đến khách du lịch đến châu Á và Việt Nam, nhưng trong những năm tới, Việt Nam vẫn là điểm thu hút khách và loại hình du lịch tàu biển vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 10 hãng lữ hành có đón khách bằng tàu biển. Vào những năm 1999 tại Việt Nam đã tổ chức định tuyến tàu biển (chuyến tàu định kỳ) và kéo dài vài năm sau đó, có những lúc lượng khách tàu biển chiếm khoảng 10% lượng khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, hoạt động đón tàu biển định tuyến tạm ngưng do khó khăn của đối tác. Trong thời gian tới, Saigontourist tiếp tục trở lại đón chuyến tàu định tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Công ty du lịch Tân Hồng cho biết: Với khách du lịch tàu biển, Việt Nam vẫn là một điểm đến mới nên họ rất mong muốn khám phá. Tuyến điểm du lịch đều hấp dẫn khách nhưng cơ sở hạ tầng còn kém. Ví dụ như tàu cập bến Hạ Long rồi đi Hà Nội trong ngày, riêng đi 4 tiếng, về 4 tiếng đã mất 8 tiếng ngồi xe, thời gian tham quan Hà Nội chỉ 2-3 tiếng. Do không có nhiều sự lựa chọn về phương tiện nên đường bộ vẫn là chủ yếu, nếu tuyến đó tắc đường thì họ hết đường tham quan.

Thiếu chuyên nghiệp

Sự thiếu chuyên nghiệp dễ thấy đầu tiên là các tàu biển cập bến đều là cảng hàng hóa. Khi cập cảng hàng hóa sẽ có nhiều bất tiện như vệ sinh môi trường chưa được tốt, các dịch vụ du lịch sơ sài… đó là chưa kể sự đeo bám khách cả trên bờ lẫn dưới thuyền khiến du khách bực mình. Ông Barbara Parson, du khách Canada kể: “Khi tàu chúng tôi vào vịnh Hạ Long và chuyển sang thuyền nhỏ, ngay lập tức đã thấy tàu nhỏ của dân cập mạn bám theo bán hàng và các sản phẩm lưu niệm, không mua thì họ xin tiền. Bạn bè tôi đi du lịch trên bờ cũng vậy, có rất nhiều người bán hàng rong bám xung quanh. Nếu mua của người này, người khác sẽ bám theo, đó là chưa kể những mặt hàng này chúng tôi không ưa thích lắm vì theo khuyến cáo, chất lượng không được đảm bảo”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Công ty du lịch Tân Hồng tại Quảng Ninh cho biết: “Sản phẩm bán cho khách nghèo nàn. Do là đối tượng chi trả cao, nhất là khách châu Âu họ rất thích mua hàng thủ công như thêu ren, dệt, hàng mỹ thuật vẽ tay độc đáo... nhưng những sản phẩm này lẫn lộn giữa hàng hiệu và hàng rong. Du khách mua xong thấy không đảm bảo chất lượng, họ có thể trả lại và đổi hàng khác thì mình phải vui vẻ phục vụ, nhưng ở Việt Nam bán xong là người ta chạy mất. Mẫu mã sản phẩm so với các nước rất nghèo nàn. Khách du lịch rất thích những tranh vẽ tay “độc nhất vô nhị” nên khi mua rồi ra chỗ khác thấy sản phẩm tương tự thì họ vứt đi, không hài lòng. Đó là vấn đề chữ tín với khách trong bán hàng của Việt Nam hiện nay”.

Nguồn nhân lực phục vụ cho đối tượng này cũng luôn thiếu. “Khách du lịch tàu biển thường đa quốc tịch, số lượng đông, đi tham quan theo nhiều chương trình riêng, trong khi chúng ta còn thiếu xe ô tô cao cấp, cũng như thiếu đội ngũ HDV chuyên nghiệp, nhất là HDV ngoại ngữ ít thông dụng như Italia, Tây Ban Nha…”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết. “Đó là chưa kể đội ngũ lái xe tại khu vực miền Trung chủ yếu là tư nhân nhỏ lẻ và lái xe chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng phục vụ và giao tiếp với khách nên dễ dẫn đến trục trặc giữa lái xe với đoàn khách, giữa lái xe với hướng dẫn. Ví dụ như giữa Hội An và Huế, lái xe chỉ muốn đi Hội An vì có nhiều cửa hàng cho “hoa hồng”, trong khi tour đi Huế chủ yếu là văn hóa, di chuyển nhiều”, một chủ doanh nghiệp lữ hành cho biết. Sự thiếu chuyên nghiệp từ nơi cập bến đến các dịch vụ du lịch trên cả quãng đường tham quan để lại ấn tượng không tốt cho du khách nên thường sau mỗi chuyến tham quan, các hãng tàu thường có bảng hỏi thăm dò với du khách để đánh giá điểm đến, và Việt Nam vẫn chỉ nhận được sự đánh giá là “điểm đến mới, chỉ ghé qua là đủ”.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Bài cuối: Lối đi nào cho du lịch tàu biển?
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN