Du lịch biển đảo Cô Tô hút khách nhờ các sản phẩm đặc sắc

Bảy tháng đầu năm 2023, huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã đón khoảng 230.000 lượt khách, gấp 1,6 lần so với năm 2022, đạt 92% chỉ tiêu cả năm 2023. Doanh thu ước đạt trên 575 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các du khách đầu tiên đi thủy phi cơ được tàu đón vào Cô Tô. Ảnh: TTXVN phát

Lượng khách du lịch tăng là nhờ năm nay, Cô Tô có thêm các sản phẩm du lịch biển đảo độc đáo, hấp dẫn. Điển hình như: lặn biển ngắm san hô ở xã đảo Thanh Lân; tham quan tuyến đảo Cô Tô lớn - đảo Thanh Lân - đảo Cô Tô con - đảo Cá Chép và tuyến bay thẳng bằng thủy phi cơ Hạ Long - Cô Tô. Trong đó, điểm nhấn là sản phẩm dịch vụ lặn biển ngắm san hô được triển khai tại Vụng Tròn, Hòn Chim và Hòn Ông Tích (xã Thành Lân) từ tháng 4/2023. Đây là dịch vụ lặn biển giải trí duy nhất ở khu vực miền Bắc được cấp phép; được doanh nghiệp kinh doanh là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khám phá Cô Tô (CoTo Adventure) đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và an toàn. Khách tham gia dịch vụ này được bảo hiểm toàn diện.

Theo thông tin của huyện Cô Tô, gần 40.000 lượt khách đã sử dụng hai sản phẩm du lịch mới lặn biển ngắm san hô và tham quan tuyến đảo này đều có đánh giá tốt về chất lượng. Sau khi trải nghiệm, các du khách đã chia sẻ hình ảnh và thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sức lan tỏa rộng; từ đó, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến Cô Tô.

Từ ngày 9/7/2023, tuyến bay Hạ Long - Cô Tô bằng thủy phi cơ do Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu (thuộc Tập đoàn Thiên Minh) chính thức được khai thác. Với hành trình chỉ khoảng 35 phút, du khách vừa có thể tiết kiệm thời gian so với các phương tiện thông thường khác, vừa có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của các địa danh trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Việc đưa loại hình dịch vụ này vào hoạt động tại huyện Cô Tô sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm, đa dạng loại hình, thúc đẩy du lịch phát triển lên tầm cao mới, tạo thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, việc kết nạp Đảng cho các đảng viên mới thường được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức ở dưới tượng đài Bác Hồ tại huyện Cô Tô. Qua đó, huyện đảo thu hút được một lượng khách lớn nội tỉnh đến.

Huyện đảo Cô Tô luôn duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng của các sản phẩm du lịch truyền thống như: tắm biển, khám phá ẩm thực, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trên đảo. Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô, để du lịch địa phương phát triển đúng hướng và thu hút thêm các doanh nghiệp tiềm lực đầu tư ở lĩnh vực này, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững; giảm dần rác thải nhựa. Huyện gắn bảo tồn với phát huy các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học biển; giảm thiểu thiên tai, phòng, chống biến đổi khí hậu; giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội. 

Huyện khuyến khích, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên đặc điểm địa hình, thiên nhiên, sinh vật phong phú để tạo sự khác biệt của Cô Tô; chú trọng đến chất lượng, chiều sâu để nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm thu hút du khách vào dịp thấp điểm, mùa Thu và mùa Đông.

Văn Đức (TTXVN)
Chuyến bay thương mại đầu tiên bằng thủy phi cơ đến Cô Tô
Chuyến bay thương mại đầu tiên bằng thủy phi cơ đến Cô Tô

Ngày 9/7, trên chuyến bay chặng Tuần Châu – Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), 8 du khách đầu tiên trên chiếc thủy phi cơ mang nhãn hiệu VN-B469 khởi hành vào lúc 8 giờ 30 phút từ cảng Tuần Châu, thành phố Hạ Long đã đáp xuống bãi biển Hồng Vàn, huyện Cô Tô an toàn. Đây không chỉ là đường bay đầu tiên tại Việt Nam khai thác đến đảo Cô Tô, mà còn là đường bay đầu tiên kết nối hai đảo trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN