Du khách tăng nên doanh thu từ dịch vụ du lịch cũng tăng, ước khoảng 2.440 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh Bạc Liêu đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh.
Lợi thế ở sản phẩm du lịch riêng biệt
Thời điểm này, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu diễn ra khá sôi động. Bên cạnh các điểm du lịch được biết đến lâu nay như: Quán âm Phật Đài, Nhà thờ Tắc Sậy, nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm đờn ca tài tử Nam bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… một số điểm du lịch sinh thái đậm chất dân dã miền Tây như Khu sinh thái Nông Trại Xanh, Khu sinh thái Phương Nam, vườn sinh thái xanh Cánh đồng quê, trang trại Cừu... thu hút đông đảo khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là giới trẻ thích check-in.
Tại Khu du lịch điện gió Hòa Bình 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư điện gió Hòa Bình 1 dù mới đưa vào hoạt động cuối năm 2022 nhưng đã sớm trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Từ một dự án công nghiệp thuần túy khai thác năng lượng gió cung cấp điện, công ty đã kết hợp tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, trở thành điểm tham quan độc đáo, thân thiện với môi trường. Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách đến tham quan khu du lịch này đạt trên 10.000 lượt. Du khách đến đây, ngoài tham quan và chụp ảnh cùng các tua-bin gió còn được chèo thuyền ngắm rừng ngập mặn; câu cá, đạp xe trải nghiệm…
Chị Hoàng Tuyết Thanh, du khách từ Hà Nội đã đến Bạc Liêu 3 lần, lần nào cũng mang đến cho chị những trải nghiệm thú vị. Chị Hoàng Tuyết Thanh cho rằng Bạc Liêu có những sản phẩm du lịch riêng biệt mà những nơi khác không có. Đó là văn hóa đa dạng dựa trên sự cộng cư giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; có các cơ sở tín ngưỡng; có loại nhãn cổ nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt, môi trường sinh thái trong lành là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch xanh.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, địa phương có một số sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách muốn trải nghiệm như Nhà Công tử Bạc Liêu với những giai thoại hấp dẫn; phương án kiến trúc - không gian Quảng trường Hùng Vương với những công trình mang đậm nét văn hóa Bạc Liêu; vườn nhãn cổ với những gốc nhãn trên 100 năm tuổi; các khu điện gió với những trụ điện gió cao lớn nằm trên bãi bồi ven biển; Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu là Bảo tàng Đờn ca tài tử Nam Bộ duy nhất thu hút rất đông du khách, nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 10 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận và là địa phương có điểm du lịch tiêu biểu nhiều nhất trong khu vực. Trong số này, các điểm du lịch tín ngưỡng phát triển mạnh và là trọng điểm thu hút du khách của tỉnh như Quán âm Phật đài, Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện,… Các điểm du lịch "Nhà hát Cao Văn Lầu", "Khu điện gió" có sự độc đáo, khác biệt tạo nên dấu ấn riêng.
Tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, là tỉnh đồng bằng ven biển, bên cạnh lợi thế về phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy hải sản… Bạc Liêu còn có tiềm năng về phát triển du lịch với một số loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách hàng năm đến tỉnh tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch và phát triển hạ tầng giao thông. Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án về dịch vụ du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án quy mô lớn, chất lượng cao; tập trung mời gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và địa bàn lân cận.
Bạc Liêu tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch của địa phương trên thị trường du lịch, như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản Dạ cổ hoài lang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; sản phẩm du lịch xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển...
Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thị trường du lịch trọng điểm của cả nước, cũng như xúc tiến du lịch ở một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia… Đồng thời liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý - các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch - các khu, điểm du lịch; tăng cường quản lý, liên kết, hợp tác nắm bắt thị trường khách du lịch và đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch đến với Bạc Liêu. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương có du lịch phát triển, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, trọng tâm là xây dựng và triển khai quản lý du lịch thông minh trong Đề án phát triển đô thị thông, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn...