Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, trưa mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Khu du lịch quốc gia núi Sam (thành phố Châu Đốc), cả "biển người" từ khắp nơi đổ về du Xuân, thưởng ngoạn, chiêm bái các di tích sử văn hóa như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Tây An cổ tự, Phước Điền tự (Chùa Hang),...
Các tuyến đường dẫn vào Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu,… du khách phải nhích từng chút một do lượng xe máy rất đông, chen lẫn với dòng xe ô tô. Bên trong khuôn viên Miếu bà Chúa xứ Núi Sam, hàng trăm nghìn lượt người phải chen lấn mới vào được chánh điện…
Anh Nguyễn Văn Tân ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nào cũng vậy, đến sáng mùng 2 Tết, anh lại cùng gia đình đi Chùa Bà (Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam) để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình, đồng thời cho các con được dịp tham quan, trải nghiệm những nét văn hoá của vùng Bảy Núi An Giang.
"Tôi thấy năm nay lượng khách đến Chùa Bà đông hơn năm ngoái rất nhiều", anh Tân nói.
Ông Huỳnh Thành Cư, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam cho biết, với quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang… cùng các giá trị văn hoá tâm linh tín ngưỡng, gắn với lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đông đảo du khách đã đến cầu bình an, sức khỏe kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng vào dịp đầu năm mới.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) đến trưa 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), khu du lịch đã đón gần 200.000 lượt khách tham quan và hành hương.
"Bình thường mùng 1 Tết ít người đi mà chỉ tập trung đi chùa, cúng Bà từ ngày mùng 2 trở về sau. Tuy nhiên, năm nay, bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, lượng khách đổ về cúng Bà rất đông, đông hơn rất nhiều so với những năm trước", Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam Huỳnh Thành Cư nói.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, chiêm bái dịp đầu năm mới Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản trị Lăng Miếu núi Sam và chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm di tích, qua đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hình ảnh du lịch An Giang an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Cùng với Khu du lịch Quốc gia núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch Đồi Tức Dụp, các điểm tham quan Cù lao Giêng, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn, Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (thành phố Long Xuyên), Rừng Tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), Khu Sinh Thái Cồn Én (huyện Chợ Mới)… cũng thu hút đông đảo du khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế cảnh quan kết hợp phát triển dịch vụ ẩm thực, mua sắm đa dạng; đồng thời tăng cường triển khai các gói ưu đãi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng giá dịch vụ, không tùy tiện nâng giá, chèo kéo và ép giá, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu về các điểm nhấn du lịch An Giang, nhất là trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, trang web du lịch… để du khách có thể tham khảo, lựa chọn An Giang làm điểm đến lý tưởng để vui chơi, nghỉ dưỡng cũng như mua sắm các sản phẩm OCOP chất lượng trong dịp năm mới 2024.