Chuyển nghề tay ngang
Từ năm 2020 đến nay, có 4 lần dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong cộng đồng đều vào thời kỳ cao điểm du lịch khiến ngành “công nghiệp không khói” lao đao. Cứ mỗi lần dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng là các dịch vụ du lịch phải dừng hoạt động. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 kéo dài đang khiến nhiều doanh nghiệp "ngủ đông" trong cao điểm du lịch hè.
Để tồn tại, nhiều người làm du lịch tìm cách chuyển đổi ngành nghề để duy trì công việc. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel cho biết: “Tôi xác định nếu theo đuổi nghề du lịch sẽ phải chung sống lâu dài với dịch bệnh, du lịch vẫn sẽ gặp khó khăn vì có thể dịch xảy ra bởi không biết bùng dịch lúc nào”.
Để tồn tại, ông Nguyễn Tiến Đạt và một số người bạn đã phải chuyển hướng sang sản xuất và kinh doanh bia thủ công, làm thêm nghề tay trái là sản xuất và kinh doanh bia thủ công.
“Tôi chọn sản xuất thủ công dòng bia tươi organic với kỳ vọng thay thế hàng nhập khẩu. Lợi thế của chúng tôi là công nghệ, tiêu chuẩn châu Âu, nhưng giá thành Việt Nam. Trước đây, chúng tôi phân phối qua kênh truyền thống là nhà hàng, nhưng hiện khối dịch vụ này cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chúng tôi đã phát triển kênh bán hàng online, ship đến tận tay khách hàng. Bản thân tôi cũng trực tiếp đi giao bia để làm gương cho nhân viên trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, tôi cũng mong muốn tận dụng nhân lực đang dôi dư của ngành du lịch sang làm đại lý cho công việc mới”, ông Đạt chia sẻ.
Dù đang chuyển sang ngành nghề mới nhưng ông Đạt vẫn ấp ủ quay lại nghề du lịch khi dịch bệnh được khống chế. Hiện nay, Công ty AZA Travel vẫn duy trì bộ phận rà soát lại sản phẩm du lịch để theo kịp với xu hướng mới như du lịch homestay, thuê nguyên villa nghỉ dưỡng; dịch vụ cho chuyên gia, người Việt hồi hương và thực hiện quá trình chuyển đổi số từ maketing online, quản lý, quan hệ khách hàng.
“Quá trình chuyển đổi số là tất yếu bởi nhu cầu và xu thế đi du lịch mới khách hàng đang thay đổi rất nhiều từ khi có dịch. Đơn cử như trước đây khách hàng hay đến công ty du lịch thì giờ họ mua tour ở nhà. Khách hàng có thể giao tiếp và mua sắm online, trực tiếp từ phía cung cấp dịch vụ mà không cần qua các trung gian hay đại lý du lịch nữa. Do đó, trong thời gian này, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm, chúng tôi cũng tập trung chuyển đổi số”, ông Đạt cho biết.
Còn chị Lê Thị Thu Trang, CEO điều hành Công ty Hayditour cho biết: Do dịch bùng phát vào trước thời kỳ cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên tất cả các hoạt động liên quan đến tổ chức du lịch đều tạm dừng. Hiện công ty cũng co hẹp hoạt động và chỉ duy trì một số nhân sự làm online tư vấn sản phẩm.
“Trước đây tôi và người bạn cũng đã có kế hoạch kinh doanh cho riêng mình, nhưng thời điểm đó vẫn bận rộn với kinh doanh du lịch nên chưa triển khai. Giờ các hoạt động du lịch đều đóng băng nên trong thời gian này, tôi và một vài người bạn mở tiệm hoa nhà Sương - E-soul Flower trên đường Hoa Hoa Thám, Hà Nội”, chị Trang chia sẻ.
Với lợi thế giỏi tiếng Hàn do có thời gian sống và học tập bên Hàn Quốc, sau đó làm marketing cho KTO tại Hà Nội nên chị Lê Thị Thu Trang biết rõ nhu cầu, thẩm mỹ của người Hàn Quốc nên thị trường ban đầu hướng tới các doanh nghiệp Hàn Quốc, người Hàn tại Hà Nội.
“Có những loại hoa lá chỉ có ở Hàn Quốc nhưng không thể tươi lâu với thời tiết của Việt Nam nên chúng tôi tìm loại hoa, lá thay thế nhưng vẫn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Đó là lý do không chỉ đối tượng khách Hàn mà nhiều bạn trẻ Việt cũng đã đến với cửa hàng của chúng tôi. Hiện hoa của cửa hàng vẫn từ các nguồn phân phối nhập khẩu và từ Đà Lạt. Chúng tôi cũng rất muốn nhập hoa từ các cơ sở phía bắc nhưng khó khăn lớn nhất là đảm bảo tiêu chuẩn, thời gian giao hàng… Để đạt được điều này cần sự thay đổi nhận thức về áp dụng khoa học kỹ thuật, làm ăn chuyên nghiệp”, chị Trang cho biết.
Đây cũng là những cố gắng của doanh nghiệp du lịch cố gắng thích nghi, cầm cự qua thời kỳ khó khăn. Tuy vậy, với nhiều doanh nghiệp nhỏ, việc duy trì hoạt động sau nhiều tháng với các lần hoãn hủy của khách khi bùng phát dịch. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, kết thúc năm 2020, doanh nghiệp lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Mong tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lao động
Là Phó Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội lữ hành Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng thường xuyên tham gia họp, góp ý đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ du lịch. "Tuy nhiên, từ thực tế và trao đổi với các doanh nghiệp làm du lịch trong cả nước cho thấy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Nhà nước nhưng doanh nghiệp du lịch tiếp cận không nhiều do có nhiều yếu tố đặc thù, chẳng hạn như hướng dẫn viên du lịch phải chứng minh mức thu nhập trong tháng, doanh nghiệp lữ hành phải có tài sản thế chấp", ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Do đó, ông Đạt kiến nghị: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đơn giản hơn về thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Như doanh nghiệp của chúng tôi khó vay vốn tín dụng vì ngân hàng cho rằng không có tài sản thế chấp. Việc vay vốn để giải quyết khó khăn cho lao động chuyển nghề cũng khó khăn. Do đó, chúng tôi kiến nghị về phía Tổng cục Du lịch cho doanh nghiệp lữ hành vay lại số tiền ký quỹ kinh doanh du lịch và Chính phủ cho phép giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% trong 1 năm, vay quỹ đào tạo nghề…
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp du lịch, các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí... có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành dịch vụ du lịch vì khi không có khách, không có hoạt động du lịch thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không phát sinh về khách và từ đó không có doanh thu. Như vậy, doanh nghiệp du lịch cũng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã gửi tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp du lịch để đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành liên quan như giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2021; điều chỉnh giá điện, cho các cơ sở lưu trú du lịch được trả tiền điện theo giá điện sản xuất thay vì giá dịch vụ; Xem xét tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để được nhận hỗ trợ, giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ và xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết: "Dù các doanh nghiệp phản ánh các chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp chưa được nhiều nhưng từ thực tế đặc thù của doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội cũng đã có văn bản kiến nghị có chính sách tạo thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ".
Với nhiều người làm du lịch, việc chuyển ngang nghề đang là giải pháp tình thế nhưng về lâu về dài, họ vẫn mong muốn được trở lại với công việc "chính danh" của mình. Do đó, họ vẫn duy trì các hoạt động du lịch trong điều kiện cho phép và chuẩn bị các điều kiện để có thể trở lại khi dịch đã hết hoặc lắng xuống.
Chị Lê Thị Thu Trang cho biết: "Tôi vẫn mong muốn được trở lại du lịch. Do đó, bên cạnh công việc hiện, tôi và nhóm bạn vẫn nghiên cứu về sản phẩm du lịch theo sự thay đổi của khách hàng".
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Trong thời gian ảnh hưởng của dịch, Sở cùng với đơn vị liên quan tạo dựng sản phẩm mới để quảng bá sau dịch, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề; tập huấn, đào tạo chuyển đổi nghề...
"Đây đúng là giai đoạn khó khăn của du lịch, trong thời gian này, doanh nghiệp du lịch sớm thực hiện chuyển đổi số để đi “đường xa sau này” và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp để doanh nghiệp có thể tồn tại trước mắt. Trong thời gian tới, Hiệp hội và sẽ triển khai hoạt động đào tạo theo thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam", ông Vũ Thế Bình nhận định.