Bồi đắp nâng tầm di sản Xác định bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng luôn tăng cường công tác thực thi pháp luật, đổi mới phương pháp, cách thức tuần tra bảo vệ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên như khai thác gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã. Ban Quản lý Vườn Quốc gia thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ký kết các quy chế phối hợp trong thực thi nhiệm vụ. Đến nay, Ban thành lập được 18 tổ xung kích, 43 tổ phòng cháy chữa cháy rừng, 21 nhóm bảo tồn tại các thôn, bản ở 9 xã vùng đệm Di sản; thực hiện ký hợp đồng bảo vệ rừng với 51 cá nhân chuyên trách, 28 tổ bảo vệ rừng ở các thôn, bản và 1 tổ bảo vệ rừng thuộc Đồn biên phòng. Song song với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển bền vững rừng cũng được thường xuyên tổ chức sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, các vụ vi phạm giảm mạnh, ý thức của người dân trong bảo vệ rừng ngày một nâng cao, rừng được bảo vệ, phát triển tốt, được các đơn vị chức năng đánh giá còn nguyên vẹn với độ che phủ lên đến 94%, trong đó 84% là rừng nguyên sinh.
Cảnh đẹp trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN |
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu khoa học và bước đầu ghi nhận được nhiều thành tựu quan trọng. Ban Quản lý Vườn chủ trì và tham gia thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở; đoạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật; xuất bản nhiều ấn phẩm sách và gần 50 bài báo có giá trị được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Từ những nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng góp phần củng cố, khẳng định những giá trị ngoại hạng, riêng có về địa chất, địa mạo, sinh thái và sinh học của thiên nhiên ở Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Riêng về công tác nghiên cứu hệ thống hang động, từ năm 1990 đến nay, Vườn đã ghi nhận 327 hang động ở vùng di sản này.
Trong nghiên cứu sinh học, điều đáng ghi nhận là Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã hoàn thành công bố danh mục động, thực vật với nhiều loài mới đặc hữu riêng có tại đây; qua đó khẳng định sự đa dạng sinh học rất cao ở di sản này với hàng trăm loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ IUCN, trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP hoặc trong các phụ lục CITES. Gần đây, bằng nghiên cứu của mình, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã liên tục phát hiện nhiều loài mới có giá trị cao như quần thể Bách xanh mọc trên núi đá vôi ở độ cao trên 700m. Đây được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn, là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cửa trước vào hang Sơn Đoòng. Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN |
Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thực hiện hiệu quả các chương trình bảo tồn, nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao. Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia cũng được thực hiện có hiệu quả với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 92%.
Theo ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhờ những thành tựu được ghi nhận qua công tác nghiên cứu khoa học, năm 2015, một lần nữa UNESCO vinh danh Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng nhờ 2 tiêu chí nổi bật mới (ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học), nâng tổng số đạt được của di sản này lên 3 tiêu chí. Với những tiêu chí đạt được, Phong Nha-Kẻ Bàng tự hào là Vườn Quốc gia thứ 3 ở châu Á và đầu tiên trong khu vực đạt 3 trên 4 tiêu chí dành riêng cho một di sản thiên nhiên.
Khai thác thế mạnh di sản Từ một vùng đất du lịch phát triển chậm, các loại hình du lịch chưa phong phú, trong vài ba năm trở lại đây, Phong Nha-Kẻ Bàng vươn lên trở thành một hiện tượng nổi bật. Đến nay, tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 15 tuyến, điểm du lịch hoạt động với các sản phẩm du lịch độc đáo như khám phá hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Các sản phẩm du lịch cao cấp, khu vui chơi giải trí ở Phong Nha-Kẻ Bàng cũng phát triển mạnh mẽ như Farmstay, Homestay, Trecking, Zipline...
Cảnh đẹp trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN |
Trong đó, ấn tượng và nổi bật, trở thành trái tim của du lịch không chỉ của Phong Nha-Kẻ Bàng, của tỉnh Quảng Bình, Việt Nam, mà còn mang tầm thế giới là tuyến du lịch khám phá “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới”. Tour du lịch này được đánh giá đạt đẳng cấp trong nước và quốc tế. Nêu bật giá trị của Sơn Đoòng, các tạp chí uy tín trên thế giới như New York Times, Google Adwords, Tripadvisors… gọi đây là một trong 10 điểm du lịch cần đến tham quan một lần trong đời.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu khoa học để tìm kiếm, bổ sung những giá trị quý về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của vùng đất di sản này... Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn còn nhiều bí ẩn, các giá trị đặc sắc, riêng có đang chờ các nhà khoa học nghiên cứu và phát hiện không những cho Quảng Bình, cho Việt Nam, mà còn cho cả thế giới.
Ban Quản lý sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản như hỗ trợ phát triển vùng đệm trong cải thiện sinh kế, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, xây đắp cuộc sống cho người dân thông qua các chương trình, dự án thiết thực. Ban Quản lý thực hiện quảng bá hình ảnh, giá trị di sản một cách bài bản hơn đến với người dân trong nước và quốc tế, nhằm thu hút khách du lịch đến với tỉnh Quảng Bình ngày một nhiều hơn.