Theo ông Trương Gia Bình, căn cứ kiến nghị của nhóm doanh nghiệp hàng không, lữ hành, du lịch và dịch vụ du lịch, Ban IV đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ lựa chọn và đưa ra một quyết sách chiến lược dựa trên kết quả ấn tượng về phòng, chống dịch, tiêm vaccine trong nước, đã được các chuyên gia y tế uy tín phân tích, kiểm chứng từ các yếu tố dịch tễ, để thể hiện chủ trương nhất quán, ý chí quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc khôi phục kinh tế ngay năm 2022, đồng thời không để bị lỡ nhịp bứt phá so với các quốc gia khác trong khu vực. Đó là, công bố “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” ngay trong đầu tháng 2/2022.
Để tận dụng “thời cơ vàng” và tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá nhanh hơn nữa, Ban IV đề xuất Chính phủ cho khôi phục lại chương trình miễn VISA cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm như năm 2019 và tiếp tục đẩy mạnh chính sách này với các thị trường tiềm năng khác để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.
Cùng với đó, để tăng cường năng lực y tế trong nước nhằm sẵn sàng ứng phó, cung cấp các giải pháp giải quyết các bài toán phát sinh khác nhau với du khách trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế, nhất là cung cấp các dịch vụ y tế có nền giao tiếp tiếng Anh, Ban IV đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 25/KL-TW ngày 30/12/2021, trong đó có chủ trương cho phép “các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện” và truyền thông, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân nghiên cứu, phát triển, mở rộng đầu tư cho các dịch vụ tiềm năng.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu năm 2022 sẽ góp phần rất lớn để khơi thông dòng đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại - xuất nhập khẩu với Việt Nam, vì hiện nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn khi chưa có cơ chế để đi lại thuận lợi.
Vừa qua, Việt Nam đã thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 7 địa phương với số lượng 8.500 khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng thí điểm vừa qua. Mặt ưu điểm được các bên liên quan đồng thời ghi nhận đó là không có các sự cố hay các tình huống rủi ro nào lớn phát sinh trong quá trình tổ chức, du khách tới Việt Nam cũng không tạo thêm nhiều áp lực cho bài toán phòng, chống dịch trong nước. Tuy nhiên, đây mới là đánh giá bước đầu bởi số liệu thí điểm còn ở quy mô rất nhỏ.