Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái
Nhờ ưu thế có dòng sông Tiền trải dài từ huyện Cái Bè đến thành phố Mỹ Tho và chia thành 2 nhánh sông cửa Đại và cửa Tiểu hợp lưu ở cửa biển Gò Công, du dịch sinh thái ở Tiền Giang có nhiều tiềm năng phát triển. Những năm trước, bình quân lượng khách đến Tiền Giang khoảng 750 ngàn lượt/năm, trong đó trên 60% khách quốc tế.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trong quý 1/2023, toàn tỉnh đón trên 230 ngàn lượt du khách, tăng 29,08% so cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 38 ngàn khách quốc tế. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 155,39 tỷ đồng, tăng 144,59% so cùng kỳ năm trước, đạt 15,39% kế hoạch năm. Tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2023 đón 1,25 triệu lượt du khách.
Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Theo quy hoạch, Tiền Giang đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch gồm: Vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, Vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn và Vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn. Mỗi vùng sinh thái mang đặc điểm riêng giúp thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế. Điều này khiến dòng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang những năm gần đây tăng nhanh, tốc độ bình quân trên 15%, chiếm tỷ lệ cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Thế mạnh của du lịch Tiền Giang còn gắn liền với những di tích văn hóa lịch sử và sinh thái như: di tích văn hóa Óc Eo, Gò Thành thế kỷ I đến thế kỷ VI (sau Công nguyên) ở huyện Chợ Gạo; di tích lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút ở huyện Châu Thành, di tích chiến thắng Ấp Bắc ở huyện Cai Lậy; lũy Pháo Đài ở huyện Tân Phú Đông cùng nhiều lăng mộ, đền chùa: lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, chùa Sắc Tứ…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.100 di tích lịch sử - văn hóa, gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo-tín ngưỡng và di tích kiến trúc-nghệ thuật. Trong đó, có 20 di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và 86 di tích cấp tỉnh, tạo nên một bức tranh đa màu sắc về vùng đất và con người Tiền Giang, với những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời được kết tinh từ ngàn đời nay.
Một trong những điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước là làng cổ Đông Hòa Hiệp ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: Làng cổ này thu hút du khách khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với tuổi đời trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum suê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng. Ước tính trung bình mỗi năm, làng đón khoảng 100 nghìn lượt du khách đến tham quan, trong đó hơn 75% là khách quốc tế.
Nhờ tiềm năng phong phú, đa dạng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và bề dày về lịch sử văn hóa, tỉnh Tiền Giang đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách. Việc khai thác hợp lý du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử, văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập.
Điểm nhấn từ sản phẩm liên kết
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19, nhằm từng bước kích cầu, khôi phục du lịch trong tình hình mới, ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang đã mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để thu hút, giữ chân du khách cũng như tăng cường liên kết vùng để phát triển thị trường du lịch nội địa
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, ngành Du lịch đã lên kế hoạch phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ chủ các ngôi nhà cổ, hộ làng nghề khôi phục, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chuẩn bị phát triển tour, tuyến du lịch mới, liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp ở hai tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre. Đặc biệt là chuẩn bị mở trở lại tour du lịch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái - tâm linh đặc trưng của tỉnh.
Ngành cũng phối hợp với địa phương tiến hành giai đoạn II phục dựng lại Di tích lịch sử Đám lá tối trời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm Lễ hội khu vực phía Đông tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các di tích lịch sử - văn hóa tại thị xã Gò Công như Đền thờ Trương Định, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công… và đặc sản mắm tôm chà Gò Công, được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng phía Đông tỉnh.
Đối với vùng Trung tâm tỉnh, ngành triển khai khảo sát tuyến rạch Bà Ngọt (thành phố Mỹ Tho) để đầu tư phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền Lan Thôn Trang - chùa Vĩnh Tràng - Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn để hình thành thêm sản phẩm mới của vùng. Vùng phía Tây sẽ sớm khởi động lại điểm nhấn du lịch là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp phù hợp tình hình mới...
Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức trên 8 đoàn doanh nghiệp lữ hành khảo sát các tuyến, điểm du lịch để xây dựng tour, tuyến liên kết gắn với mời gọi đầu tư phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá các thị trường trọng điểm, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch...
Trong năm, Tiền Giang phối hợp các tỉnh, thành phố trong Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh tham gia các sự kiện du lịch quan trọng, như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long…
Năm 2023, Tiền Giang chủ động kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Đặc biệt, chú trọng mời gọi đầu tư phát triển du lịch trong nỗ lực khai thác, phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói. Mặt khác, tỉnh tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vốn liếng hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn, hấp dẫn và các dự án về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử…