Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Tháp - Bài 1: Phát huy thế mạnh địa phương

Điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hóa đã tạo cho Đồng Tháp những sản phẩm du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng vô cùng hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan và chụp ảnh tại Khu du lịch sinh thái Đồng Sen, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Khi nhà nông làm du lịch

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Tỉnh còn giữ được nét hoang sơ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, ẩm thực độc đáo, con người hiền lành, nhân hậu và mến khách... Đây là vốn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch tại Đồng Tháp. Tài nguyên đó được phân bổ khá đồng đều, là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Tỉnh đang tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn. Đến với các điểm du lịch nhà vườn ở Đồng Tháp, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp của đồng quê mà còn có nhiều trải nghiệm khó quên. Đó là việc ngồi xuồng dạo quanh các khu vườn, thưởng thức nhiều trái cây như thanh long, nhãn, sầu riêng, các loại đặc sản như khô sặt, khô chuột, cá lóc nướng. Nhiều điểm du lịch nhà vườn còn có chương trình Đờn ca tài tử, hát cải lương, bán đồ lưu niệm...

Là nông dân quen với ruộng đồng nhưng vì giá lúa bấp bênh, ông Nguyễn Bé Tư (sinh năm 1956, ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen kết hợp với homestay. Năm 2017, ông cho ra đời điểm homestay Tư Cá Linh đầy hấp dẫn.

Để làm du lịch, ông Bé Tư đầu tư 5 phòng khang trang và 2 bungalow (những ngôi nhà có diện tích nhỏ, cơ động, đầy đủ tiện nghi) bên ruộng sen cho khách lưu trú. Hiện điểm homestay này có thể phục vụ khoảng 50 khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng.

Nắm bắt xu hướng khách du lịch thích trải nghiệm, hòa mình với cuộc sống nông thôn dân dã, chủ homestay Tư Cá Linh đã tổ chức cho du khách trải nghiệm các hoạt động thường nhật của nông dân như, bơi xuồng hái sen, đi câu cá đồng, tát mương bắt cá, chạy xe đạp khám phá vùng quê… Đặc biệt, từ các “chiến lợi phẩm” như cá tươi, lá sen non, cuộn rơm ngoài đồng, bông điên điển… khách du lịch tự tay làm nên những món cá lóc nướng trui, gỏi điên điển… và thưởng thức ngay tại đồng ruộng, đúng kiểu dân dã đậm chất miền Tây.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng hoa, kiểng 3 đời tại làng hoa hơn 100 năm tuổi nhưng anh Nguyễn Ngọc Hùng (39 tuổi ở khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc) lại quyết định chuyển hướng sang làm du lịch bài bản và chuyên nghiệp.

Anh Hùng kể, lúc đầu anh chỉ tận dụng vườn hoa có sẵn của gia đình cho khách vào tham quan, chụp ảnh và thu tiền gửi xe 3.000 đồng/vé. Nắm bắt thị hiếu của du khách, anh Hùng xây dựng các tiểu cảnh cổng vào, khuôn viên ăn uống, khu vui chơi với trò chơi vận động như: Chạy xe đạp thăng bằng qua cầu, đi cầu lắc, đua xuồng... để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm tại làng hoa.

Anh Hùng cho biết, làm du lịch phải luôn đổi mới và không ngừng cải tiến để tạo phong cách riêng phục vụ du khách. Để chuẩn bị đón Tết 2020, Khu Du lịch Happy land Hùng Thy với hơn 17 ha đã thiết kế thêm nhiều tiểu cảnh phục vụ chụp ảnh lưu niệm. Ngoài ra, anh còn đầu tư khu Nhà hàng ăn uống, giải khát, bán hàng đặc sản, quà lưu niệm; khu vui chơi trải nghiệm với 14 trò chơi dân gian (đu quay, kéo co, đẩy gậy, đi cầu thập bát, bơi thúng, đi dây thừng qua sông…) cùng 4 trò chơi trải nghiệm thực tế (câu cá, kéo lưới, bắt ếch dưới ao, bắt cá lóc dưới ao).

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Đồng Tháp chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân. Sau khi Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành, đến nay, tỉnh đã phát triển 51 điểm du lịch cộng đồng khá hiệu quả. Tổng giá trị đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, du lịch phát triển còn tạo việc làm trực tiếp cho hàng ngàn lao động, nhân dân địa phương từ dịch vụ lưu trú như, cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, xuất khẩu tại chỗ một lượng lớn hàng nông sản, đặc sản, sản phẩm hàng quà tặng, sản phẩm làng nghề.

Cần thay đổi để chuyên nghiệp hóa

Thạc sỹ Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá, Đồng Tháp là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp. Thực tế cho thấy, loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh gắn với trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, sinh thái… theo đặc trưng địa phương đã có những bước phát triển theo chiều sâu đem lại nguồn thu lớn, lợi nhuận hơn cho nông dân.

Theo Thạc sỹ Huê, du lịch nông nghiệp không chỉ bán cái hữu hình (bữa ăn, phòng ngủ, trái cây…) mà còn bán cả những thứ vô hình như cảnh quan, sự hiếu khách và thân thiện của người dân…

Tuy nhiên, hạn chế của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đó là: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và công trình phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh; tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Sản phẩm chưa có tính độc đáo, quy mô manh mún, nhỏ lẻ thiếu tính chuyên nghiệp. Phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản...

Nhìn ở góc cạnh nào đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng du lịch nông nghiệp Đồng Tháp chủ yếu ở quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp đơn sơ, chưa tận dụng hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho du khách. Mặt khác, các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch còn lúng túng để khai thác tiềm năng, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách. Phần lớn nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng do còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.

Để du lịch du lịch cộng đồng - nông nghiệp chuyên nghiệp hơn, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, trước hết, du lịch nông nghiệp cần lưu ý hai yếu tố đó là cơ sở hạ tầng và văn hóa ẩm thực. Theo đó, không gian nghỉ dưỡng cũng như cách thiết kế, trang trí cho không gian này thật hài hòa, tạo sự thân thiện, sạch sẽ và thoải mái trong lòng du khách. Song song đó, vấn đề ẩm thực vừa phải mang tính thẩm mỹ vừa mang tính đặc trưng của vùng miền, đặc biệt cần đảm bảo an toàn thực phẩm...

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, mục đích cuối cùng của phát triển du lịch cũng là vì lợi ích kinh tế. Thế nhưng, muốn phát triển du lịch phải bắt đầu từ tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào, đam mê của quê hương, xứ sở. Từ đó mới có thể “dấn thân” làm du lịch bằng sự sáng tạo, đam mê và nhiệt huyết. Bởi lẽ mỗi vùng đất đều có tài nguyên, giá trị đặc thù tạo nên văn hóa bản địa không lẫn vào đâu được.

Mặt khác, yếu tố tạo nên sự thành công của du lịch cộng đồng - nông nghiệp đòi hỏi người làm du lịch, người vận hành du lịch cần có kiến thức, tâm huyết về du lịch; có sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng cùng tham gia làm du lịch; có sự phân chia phù hợp về công việc và lợi ích kinh tế. Đặc biệt, có sự hỗ trợ của chính quyền, cụ thể chính quyền phải đồng hành, đầu tư hạ tầng chung, truyền thông kết nối... Từ đó, giá trị của du lịch nông nghiệp mang lại không chỉ là kinh tế mà còn giúp thay đổi diện mạo nông thôn, thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân. Nói cách khác, chính du lịch nông nghiệp giúp tạo ra những nông dân hiện đại và hội nhập trên nền tảng truyền thống.

Bài cuối: Tạo cú hích từ sợi dây liên kết 

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích 'vàng' tăng trưởng
Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích 'vàng' tăng trưởng

Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN