Các đường bay quốc tế tạo ra cầu nối, thúc đẩy trao đổi thương mại và du lịch sẽ là điều kiện tiên quyết để khôi phục du lịch quốc tế và quyết định sự phục hồi của ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng.
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn, dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm liên tiếp đã tác động nặng nề đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó Hàng không và Du lịch là hai ngành được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ tháng 3/2020 đến nay, các đường bay quốc tế ngừng hoạt động. Đà Nẵng hiện chỉ đang khai thác 8 đường bay nội địa đến các tỉnh, thành phố với tần suất 200 chuyến/tuần. Du lịch gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2021 do dịch bệnh phức tạp và kéo dài. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tại Đà Nẵng đạt gần 1,17 triệu lượt khách, giảm 55,8% so với 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020.
Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm mở lại các chuyến bay thường kỳ quốc tế và hiện đã có 7/9 quốc gia, vùng lãnh thổ cơ bản thống nhất đề nghị của Việt Nam về nối lại đường bay. Các điểm đến này đều là các thị trường khách trọng điểm và tiềm năng mà Đà Nẵng đang hướng đến. Vì vậy, Đà Nẵng cần nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch thu hút khách quốc tế, tăng cường hợp tác với các bên liên quan để khởi động lại các đường bay, xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp, hấp dẫn cho du khách quốc tế.
Ông Hồ Thanh Tú, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, thành phố đã có bước tăng trưởng ấn tượng về lượng khách nội địa và quốc tế đến tham quan, lưu trú, qua đó định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến quốc tế an toàn, hấp dẫn và mến khách. Tuy nhiên, với tác động của dịch COVID-19 diễn ra từ năm 2020, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Tính đến cuối năm 2021, gần 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, hơn 38.000 lao động nghỉ việc, thất nghiệp. Dịch COVID-19 đã đẩy ngành du lịch gần như trở lại vạch xuất phát hơn 15 năm về trước.
Theo ông Hồ Thanh Tú, với những nỗ lực của chính quyền thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hiện nay 100% đội ngũ lao động du lịch cũng như người dân trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19. Các hoạt động du lịch đã bắt đầu được khôi phục trở lại. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, dự kiến đến năm 2024 ngành Du lịch mới phục hồi được như năm 2019. Do đó, năm 2022 thị trường nội địa tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nguồn khách quốc tế thông qua đường hàng không vẫn là nguồn khách cơ bản, giúp du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững trong thời gian tới. Vì vậy, việc liên kết hoạt động hàng không và du lịch là hết sức quan trọng nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch quay lại sau dịch và tương trợ lẫn nhau phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Đẩy mạnh hợp tác khôi phục du lịch
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn, nhằm tăng cường xúc tiến cho hợp tác về hàng không – du lịch để khôi phục du lịch Đà Nẵng, thành phố đã phê duyệt đăng cai và giao Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại Duy Anh (IPP Travel Retail) triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc tổ chức sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022.
Sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022 dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2022. Đây là sự kiện phát triển đường bay duy nhất cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tạo cơ hội kết nối các hãng, các cảng hàng không, các điểm đến du lịch và các bên liên quan trong lĩnh vực hàng không – du lịch. Với việc đăng cai sự kiện này, Đà Nẵng kỳ vọng có những tác động tích cực để đưa du lịch tiếp tục mức tăng trưởng ở thời điểm trước COVID-19.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đã có kế hoạch nâng cấp, đầu tư sân bay quốc tế Đà Nẵng, cụ thể: Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc dự kiến hoàn thành ngày 21/2/2022; xây dựng nhà ga hàng hóa mới công suất 100 nghìn - 150 nghìn tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024; mở rộng nhà ga hành khách T1 về phía đầu Nam đạt 14 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng có những chính sách để hỗ trợ cho các hãng hàng không mở đường bay đến Đà Nẵng, cụ thể: Giảm từ 10-50% đơn giá dịch vụ hàng không đối với hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế; miễn phí thuê văn phòng làm việc cho các hãng hàng không,…
Ông Steven Smalls, Giám đốc Routes (Vương quốc Anh) cho biết: Routes Asia 2022 là sự kiện kết nối giao thương, liên kết các thành tố và các thương hiệu tập đoàn của ngành Hàng không. Một nghiên cứu được tiến hành bởi tổ chức tư vấn độc lập cho thấy, các sự kiện Routes trước đây đã góp phần tạo ra một mạng lưới vững chắc cho sự phát triển của điểm đến, Đà Nẵng đã đăng cai nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh cùng khu vực. Đà Nẵng đã được chọn là thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai sự kiện Routes Asia 2022 sau một quá trình lựa chọn nghiêm ngặt từ Routes. Theo đại diện Routes, tổ chức sẽ phối hợp với thành phố để hoàn thiện các mục tiêu phát triển dịch vụ hàng không, nâng cao hình ảnh thương hiệu và đóng góp vào mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.
Là đại diện đơn vị đồng hành cùng thành phố trong việc đăng cai và tổ chức Routes Asia 2022, chia sẻ về kế hoạch của đơn vị trong việc phát triển hệ thống dịch vụ hàng không – du lịch tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Phi Long, Tổng Giám đốc IPP Travel Retail cho biết: Routes Asia là sự kiện khởi động của chiến dịch “FantastiCity” đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và khách du lịch. Kế hoạch của IPP Travel Retails sẽ bao gồm xây dựng trung tâm tài chính và tiếp tục phát triển cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các hoạt động, chương trình hợp tác du lịch – hàng không và xúc tiến đường bay đến Đà Nẵng nhằm cung cấp đến đối tác du lịch và hàng không của du lịch Đà Nẵng các kế hoạch mở cửa đường bay quốc tế trong năm 2022 cùng các chính sách hỗ trợ hàng không hiện hành.