Phát triển du lịch biển đảoNăm Du lịch quốc gia 2016 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, trong đó có 14 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) chỉ đạo hoặc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức; 13 sự kiện do tỉnh Kiên Giang chủ trì tổ chức; 38 hoạt động do các tỉnh, thành trong vùng và các tỉnh, thành liên kết tổ chức.
Đặc trưng sông nước vùng ĐBSCL hấp dẫn du khách |
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Kiên Giang cho biết: Với điểm nhấn Phú Quốc, sự kiện du lịch này sẽ gắn với việc bảo vệ tài nguyên biển đảo, góp phần phát triển du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, là các hoạt động văn hóa du lịch, nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, kêu gọi liên kết phát triển du lịch, đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
“Vai trò của các nhà đầu tư lớn tạo khu du lịch có vai trò quan trọng. Điểm mới là khu vui chơi giải trí Vinpearl Land của tập đoàn Vin Group. Hiện nay, Phú Quốc đang triển khai cáp treo nối từ khu phía nam đảo Phú Quốc là thị trấn An Thới kéo dài tới khu đảo Hòn Thơm. Tại đảo Hòn Thơm này sẽ phát triển một khu vui chơi giải trí phục vụ du khách. Năm Du lịch Quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL mới chỉ là bước khởi đầu cho việc xây dựng điểm đến mới, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết. |
Tỉnh Kiên Giang đang gấp rút đầu tư chỉnh trang đô thị, tập trung các nguồn lực để nâng cấp các khu du lịch trọng điểm, nhằm mở rộng phạm vi thăm quan. Tỉnh Kiên Giang có 360 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 8.000 phòng (riêng Phú Quốc có trên 160 cơ sở cơ sở lưu trú với gần 3.300 phòng); đảm bảo đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, đặc biệt vào những mùa cao điểm, hoặc những dịp lễ hội lớn. Sân bay Rạch Giá và Phú Quốc đã được đầu tư nâng cấp, đưa vào khai thác hiệu quả với các chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đi Phú Quốc, Rạch Giá. Bên cạnh đó, các chuyến bay charter quốc tế đến Phú Quốc cũng được nhiều doanh nghiệp du lịch khai thác…. Tỉnh Kiên Giang cũng đã liên kết với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đưa vào khai thác các chuyến bay từ Rạch Giá, Phú Quốc đến các tỉnh, thành khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Bình Định…
Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khai mạc chính thức vào đầu tháng 4/2016. “Ngay từ đầu năm 2016, các sự kiện văn hóa du lịch đang được các tỉnh trong vùng tích cực triển khai, đặc biệt là hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến. Với việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2016, các tỉnh ĐBSCL kỳ vọng lượng khách sẽ tăng khoảng 30 - 37%, ông Trần Chí Dũng cho biết.
Liên kết phát triển sản phẩmVùng ĐBSCL với đặc trưng là những tour du lịch bằng thuyền, xuồng trên sông, khám phá những miệt vườn cây trái quanh năm, trải nghiệm cuộc sống của miền sông nước, nghe đờn ca tài tử… “Loại hình du lịch trên khá hấp dẫn với du khách miền Bắc, miền Trung và khách quốc tế. Tuy nhiên, do có sự tương đồng về văn hóa, lối sống, cảnh quan thiên nhiên, nên sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng đều giống nhau. Khách chỉ cần đến 1 tỉnh là đã trải nghiệm được tất cả sản phẩm của vùng, dễ tạo cảm giác nhàm chán cho du khách.
Cả vùng mới chỉ có 2 sân bay quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc, nhưng các sân bay này mới nối một số tuyến điểm nội địa với tần suất 1-2 chuyến mỗi ngày. Hiện chỉ sân bay Phú Quốc khai thác một số tuyến bay quốc tế trực tiếp đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nga. Với những đường bay và tần suất như hiện tại sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định của khách du lịch. Đặc biệt giá vé máy bay từ Hà Nội đến Phú Quốc còn rất cao so với mặt bằng chung”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ Phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch cho biết.
Các doanh nghiệp lữ hành của vùng ĐBSCL chủ yếu đóng vai trò nối tour cho các doanh nghiệp lữ hành TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác. “Có tới 95% lượng khách đến ĐBSCL do các doanh nghiệp ngoài vùng đưa đến, khả năng thu hút đưa trực tiếp khách vào của doanh nghiệp lữ hành trong vùng khá hạn chế. Hiện cả 13 tỉnh, thành của vùng mới có 33 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó Tiền Giang đã có 14 doanh nghiệp. Với lực lượng kinh doanh lữ hành của các tỉnh ĐBSCL còn ít và thiếu chuyên nghiệp thì việc liên kết với doanh nghiệp lữ hành trên cả nước là quan trọng và thiết thực trong việc tạo sản phẩm thu hút khách”, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết.
Để thu hút khách, việc liên kết giữa địa phương trong vùng tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc rất quan trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch liên kết nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương, đưa ra chương trình cụ thể, để từ đó có các sản phẩm trọn gói có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh phù hợp với từng đối tượng đến từ các thị trường trọng điểm.