Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Việc áp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm và chưa có sự thống nhất.
“Đại dịch COVID-19 là cuộc thanh lọc chưa từng có trong du lịch. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính "sóng thần" COVID lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nay nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.
“Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Các ý kiến chia sẻ về chuyển đổi số trong du lịch, các điểm đến:
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh COVID-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch gồm: Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch như “ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn”, “ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam”, “hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19”; Hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số, năm 2021 bắt đầu triển khai hỗ trợ Hà Giang, Thanh Hóa xây dựng điểm đến thông minh.
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia công nghệ thông tin, du lịch, doanh nghiệp du lịch đều chung nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu do thói quen của khách du lịch thay đổi. Ngày càng có nhiều du khách lựa chọn đặt các dịch vụ du lịch qua mạng. Trước đây, doanh thu từ đặt dịch vụ, du lịch qua mạng chỉ chiếm khoảng 10-15% thì nay lên tới 40-50% và thậm chí còn hơn. Do đó, xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp là con đường không chỉ doanh nghiệp du lịch mà các điểm đến cũng đang triển khai để bắt kịp xu thế.
Ông Nguyễn Quyết Tâm, Giám đốc Vietso, nhà sáng lập TravelMastes cho rằng: "Để xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số thì trước hết, ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tàng có thể liên thông được dữ liệu. Thực tế hiện nay, dữ liệu đang được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị đang trong tình trạng cát cứ, mỗi nơi một kiểu".
Trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp du lịch, công nghệ thông tin, chuyên gia, Tổng cục Du lịch sẽ lĩnh hội ý kiến và sẽ dần hoàn thiện nền tảng dùng chung về quản trị kinh doanh du lịch. Dự kiến nền tảng này sẽ ra mắt vào tháng 12 năm nay.