Vẫn còn hoang sơ, mộc mạc
Đánh thức tiềm năng du lịch Kon Tum, mới đây Hiệp hội du lịch đã tổ chức 2 đoàn famtrip (khảo sát) gồm đại diện doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội, Đà Nẵng và đoàn caravan từ TP Hồ Chí Minh để đánh giá thực trạng, khả năng kết nối sau dịch COVID-19 với tỉnh được coi là “vùng trũng” nhất về du lịch Tây Nguyên.
Khi đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, danh thắng lịch sử cách mạng như Chư Tan Kra (Sa Thầy), điểm cao 601 (Đắk Hà), cột mốc ngã ba biên giới Đông Đương, cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), vùng trồng sâm Ngọc Linh… các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đều chung nhận xét, du lịch Kon Tum còn khá sơ khai về hạ tầng lẫn chất lượng dịch vụ. Đơn cử như từ cửa khẩu Bờ Y lên đến cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương dù chỉ còn 10 km nhưng gần như không có hoạt động dịch vụ nào đáp ứng nhu cầu lên check-in của du khách. Tương tự, vùng trồng sâm Ngọc Linh định hình là một thương hiệu về cây dược liệu quý trong nước và quốc tế nhưng gần như hạ tầng du lịch tại các xã chưa có gì, tại các điểm trồng cũng chưa có ý định khai thác phục vụ du lịch.
Chị Đỗ Quyên, Giám đốc công ty TTS Travel (Hà Nội) có mua 2 kg sâm Ngọc Linh với giá 340 triệu đồng (loại 20 củ/kg) chia sẻ: Vì biết giá trị dược liệu của sâm nên khi được giới thiệu về quy trình trồng và có bảo đảm nên tôi quyết định mua. Thực tế, rất nhiều du khách có mức chi trả cao sẵn sàng chi nhiều tiền để mua loại sâm này khi được xác thực là cây dược liệu “nguyên gốc”. Du lịch là hình thức đưa người tiêu dùng đến tận vùng trồng tạo niềm tin để khách mua hàng. Thực tế có Hàn Quốc đã rất thành công trong mô hình này.
Sau khi đi khảo sát một vòng cung tại tỉnh Kon Tum, kết hợp liên tuyến với tỉnh Gia Lai, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist đánh giá: “Du lịch Kon Tum còn khá hoang sơ, mộc mạc. Có thể ví như Kon Tum là tờ giấy trắng về du lịch, điều này khiến cho việc làm du lịch tại đây vừa dễ mà vừa khó. Dễ là bởi chúng ta có thể vẽ được một bức tranh du lịch đồng bộ, bài bản. Nhưng khó là bởi cần tìm được người họa sỹ tài năng, nhưng lại phải vừa có tâm có tầm, để bức tranh du lịch thời gian tới phát triển”.
“Với khách du lịch nội địa, chương trình mà chúng tôi hướng đến sẽ từ sân bay Plei ku (Gia Lai) đi thành phố Kon Tum, Măng Đen, vùng trồng sâm Ngọc Linh (với khách chi trả cao) hoặc đi lên ngã ba biên giới Đông Dương check in với những khách thanh niên, gia đình”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Để có khách, công tác xúc tiến du lịch phải đi trước một bước song song với đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch. Ông Phùng Quang Thắng cho rằng: “Từ sản phẩm hiện có, tỉnh sớm xác định thị trường, đúng phân khúc để xác định xúc tiến, quảng bá sao cho đúng thời điểm, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tạo dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng; trong đó cần tập trung vào các trung tâm phân phối khách du lịch nội địa lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội”.
Ở góc độ nghiên cứu, tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Để thu hút khách, tỉnh Kon Tum nên tập trung xây dựng sản phẩm khác biệt riêng có gồm điểm du lịch ngã ba biên giới Đông Dương, khu du lịch Măng Đen, vùng trồng sâm Ngọc Linh, đồng thời kết nối từ thành phố Kon Tum.
Kết nối liên vùng
Là địa phương kết nối gần với Kon Tum, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, Kon Tum cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, có cơ chế chính sách đầu tư đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực. Bên cạnh đó, Kon Tum và các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần mở rộng sự liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành, các vùng trên cả nước để xây dựng sản phẩm đặc thù, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tránh trùng lắp, chồng chéo làm giảm giá trị sản phẩm. Bên cạnh liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum sớm liên kết với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù, chất lượng cao.
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn thực tế mà Kon Tum đang phải đối mặt như công tác thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa hiệu quả; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nhân lực du lịch tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; sức cạnh tranh của sản phẩm, điểm đến và các dịch vụ du lịch còn yếu. Những thách thức trên đòi hỏi tỉnh Kon Tum cần đánh giá lại, nắm bắt những cơ hội, tiềm năng của giá trị văn hóa cũng như tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, với lịch sử gần 110 năm hình thành và phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo. Trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Tỉnh đã chỉ đạo và triển khai quyết liệt việc đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành Du lịch Kon Tum.
Ông Lê Ngọc Tuấn chia sẻ thêm, với quan điểm phát triển du lịch là khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên du lịch, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Tỉnh uỷ đã thông qua "Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện, tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65 -75%. Hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch được chú trọng đầu tư, đã góp phần phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh gắn với khu vực tam giác phát triển và các địa phương trong trục hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tỉnh Kon Tum đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Kon Plông có 6 điểm; huyện Đăk Hà có 1 điểm và thành phố Kon Tum có 3 điểm. Tỉnh Kon Tum tập trung đẩy mạnh xây dựng, khai thác và phát huy các sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tôn giáo, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng; tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum phải nhanh chóng chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch Kon Tum để trình Bộ VHTTDL hoàn thiện đồ án quy hoạch Kon Tum vào hệ thống quy hoạch du lịch quốc gia. Bộ trưởng cũng đề nghị Kon Tum phải tìm cho được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có tiềm năng, tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển du lịch, để giữ cho được các giá trị cốt lõi. Cùng với đó là phải làm mới các sản phẩm du lịch, trong đó phải áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng điểm đến và quảng bá du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cam kết đồng hành với tỉnh Kon Tum trong việc vận dụng nguồn lực của Chính phủ, ưu tiên cho địa phương khắc phục vùng trũng du lịch. Trong đó, Bộ sẽ xây dựng gói hỗ trợ 60 tỷ cho Kon Tum bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, để giáo dục truyền thống và thu hút du khách. Gói thứ 2 là hỗ trợ 101 tỷ để Kon Tum làm tốt và phát triển các điểm du lịch cộng đồng, làng bản