Lừa đảo du học - Bài 2: Điệp khúc 'kêu khó' của cơ quan quản lý

Trong khi phía Nhật Bản thắt chặt các hoạt động của các công ty môi giới, phía các cơ quan chức năng của ta cũng tiếp tục "tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp", kèm theo đó là điệp khúc "khó khăn"

Đã khuyến cáo...

Tính đến tháng 10/2018, chỉ riêng tại Hà Nội có gần 300 trung tâm tư vấn du học được cấp phép hoạt động. Con số như vậy là không nhỏ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi biết trong số 12 công ty bị đình chỉ đại diện xin cấp Visa Nhật Bản đăng tên trên website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam được cập nhật mới nhất ngay tháng 11, có 8 công ty tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Du học tại Nhật Bản đang là sự lựa chọn của rất nhiều học sinh, sinh viên.

Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã nhận được công văn của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông, tránh bị các công ty du học đưa thông tin không chính xác.

Chú thích ảnh
Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản cảnh báo các thông tin sai lệch về du học Nhật Bản.

Để tránh tình trạng lừa đảo, thông tin gian dối của các công ty du học, Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến cáo các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học; các trường phải có công văn báo cáo của Sở mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường.

Sở GD&ĐT cũng đề nghị các trường cung cấp thông tin các trang web chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường để tránh tình trạng lừa đảo của các công ty du học.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Diệp Hồng, Phó trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ, từ lâu Sở đã tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, phối hợp giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trên địa bàn Thành phố. Trong đó, có cả các biện pháp kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND Thành phố và của Bộ GD&ĐT, kiểm tra cùng các cơ quan liên ngành, địa bàn, tổ chức Hội thảo nhằm đưa thêm thông tin về chính sách, quy định của các nước. Cùng với đó là việc liên tục cập nhật danh sách các cơ sở kinh doanh tư vấn du học được cấp phép theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng... trên Cổng thông tin điện tử của Ngành để người dân và xã hội giám sát.

 

...nhưng còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động kinh doanh tư vấn du học vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, việc quản lý các cơ sở, trung tâm, dịch vụ tư vấn du học thuộc về các Sở GD&ĐT qua Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.  Theo đó, các Sở GD- ĐT được quyền kiểm tra và đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của các công ty tư vấn du học vi phạm các quy định.  Với hàng trăm công ty tư vấn du học hoat động trên điạ bàn một địa phương, ví dụ như Hà Nội, đã là những thách thức đối với công tác quản lý. Thêm vào đó, với thực tế  các công ty thường xuyên thay đổi chủ sở hữu, nhượng quyền thương mại, thay đổi địa điểm..., thì việc quản lý lại càng không hề dễ dàng.

Trên thực tế, tại Hà Nội, số lượng các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ngày càng gia tăng, địa bàn hoạt động của các công ty tư vấn du học là ở tất cả các quận, huyện, thị xã..., quy mô hoạt động của doanh nghiệp lại có xu hướng nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp tư vấn du học tiến hành tuyển sinh, chiêu sinh ở khắp các địa phương của cả nước với việc mở rộng đa dạng thị trường du học, các hình thức hợp tác với các đối tác nước ngoài ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở các nước nói tiếng Anh hoặc các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc mà mở rộng đến các nước Đông Âu, Đài Loan, Italy, Tây Ban Nha, các nước châu Á như Philippin, Malaysia… Trong khi đó, hệ thống giáo dục, luật pháp của các nước khá khác nhau nên việc thực hiện trách nhiệm tư vấn, thông tin về tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng của các tổ chức du học còn hạn chế.

Thực tế trên đòi hỏi công tác quản lý hoạt động tư vấn du học cần được tiến hành chặt chẽ hơn nữa, từ việc thẩm định năng lực của các công ty tư vấn, tới yêu cầu về thông tin về các trường liên kết (đối tác nước ngoài), và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, hiệu quả công tác tư vấn của các công ty, nhằm tránh những hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho người có nhu cầu du học. Công tác này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD- ĐT với các cơ quan chức năng, các bộ ngành liên quan, trong đó không thể thiếu ngành Kế hoạch - Đầu tư, và đặc biệt là sự liên thông trong thông tin về quản lý hoạt động du học của các địa phương trong cả nước.

Thêm vào đó, từ thưc tế mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều về tình trạng lừa đảo du học, và việc cung cấp thông tin về du học cho phụ huynh và học sinh được triển khai khá đầy đủ, song tình trạng người học tiếp nhận những thông tin không chính xác vẫn liên tục xảy ra.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp dành cho các nhà quản lý, theo các chuyên gia tư vấn du học, việc tìm đến các trung tâm tư vấn du học uy tín, tham khảo thông tin trên các trang web chính thống của Sở GD&ĐT các tỉnh trước khi đặt lòng tin vào các trung tâm tư vấn du học cũng là cách để các bậc phụ huynh và học sinh tránh "sự đã rồi" trong hoàn cảnh thị trường tư vấn du học còn nhiều diễn biến phức tạp hiện nay. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có nhiều kênh chính thức để tư vấn thông qua các lãnh sự quán hoặc trung tâm văn hóa trực thuộc lãnh sự quán các nước như: Văn phòng du học Pháp (IDECAF), Úc; Hội đồng Anh; Trung tâm Thông tin Tổng cục Du lịch Singapore, Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm văn hóa Mỹ...

 

L.Sơn/Báo Tin tức
Lừa đảo du học- Bài 1: Lời hứa hẹn của các trung tâm tư vấn
Lừa đảo du học- Bài 1: Lời hứa hẹn của các trung tâm tư vấn

Lợi dụng sự thiếu thông tin của người có nhu cầu du học, nhiều trung tâm tư vấn du học “ảo” tung những chiêu lừa tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN