Vì sao Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội cần đưa ra cảnh báo với việc du học Nhật Bản?

Trung tâm tư vấn du học nào uy tín, học tiếng Nhật đến trình độ nào để đáp ứng việc du học, du học có thể kết hợp với đi làm...? Rất nhiều thắc mắc của sinh viên mong muốn du học đang bị các trung tâm tư vấn du học “ảo” lừa đảo dưới nhiều hình thức.

Nhiều “chiêu” lừa đảo du học Nhật Bản

Đại sứ quán Nhật Bản liên tục đưa ra nhiều cảnh báo "kêu gọi chú ý" trước thực trạng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam là nạn nhân bị một số công ty môi giới lao động thiếu đạo đức lừa dối.

Chú thích ảnh
Cảnh báo về tình trạng lừa đảo du học và lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Nhật Bản

Mới đây nhất, Đại sứ quán Nhật Bản đã nhận được thông tin về việc một công ty tư vấn du học Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội đã có hành vi gian dối, sử dụng tên của trường Đại học công nghiệp FUKUI để lừa đảo học sinh Trung học phổ thông (THPT) ở Hà Nội. Công ty này tư vấn học sinh THPT vào học một trường tiếng Nhật được chỉ định ở Tokyo trong 2 năm đầu tiên, sau đó sẽ nhận học bổng của trường trong 4 năm học tiếp theo, tương đương mức 60% học phí của trường. Tuy nhiên, giấy chứng nhận cấp học bổng ghi rõ tên của Đại học FUKUI được giám định là giả mạo.

Trên thực tế, đã có học sinh tin tưởng và ký kết hợp đồng tư vấn, trả tiền cho công ty này với số tiền môi giới bị thu từ vài trăm đến vài nghìn USD.

Theo cảnh báo của Đại sứ quán Nhật Bản: Số lượng thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản tăng nhanh là điều đáng mừng. Nhưng đồng thời, tình trạng nhiều bạn trẻ Việt Nam bị một số công ty môi giới thiếu đạo đức lừa dối, phải mang theo gánh nặng nợ khi sang Nhật, không trả được và do cư trú bất hợp pháp nên bị bắt giữ tại Nhật Bản gia tăng; cũng lại là điều đáng lo ngại.

Đặc biệt, số người bị hại không chỉ gia tăng trong số thực tập sinh kỹ năng và lưu học sinh, mà cả với những đối tượng là kỹ sư (kỹ thuật viên). Nhiều công ty hối thúc kiểu như “nếu không nộp lệ phí ngay thì sẽ không đi Nhật được” để yêu cầu người lao động phải nộp gấp một khoản lệ phí lớn.

Chiêu thức của các công ty này là tư vấn “nhập cảnh bằng visa lưu trú ngắn hạn, sau đó đổi sang visa cư trú dài hạn được ngay và có thể làm việc ở Nhật 3 năm”, rồi yêu cầu nộp một khoản tiền lớn. Nạn nhân trả cho công ty đó 300 triệu đồng, sang Nhật bằng visa du lịch, công việc không có, chỉ có khoản nợ còn đó. Một chiêu thức khác là nộp tiền ký quỹ và học phí hàng tháng vài nghìn USD và chờ nhận việc. 

Chú thích ảnh
Học sinh, sinh viên Việt Nam đang rất quan tâm đến các cơ hội du học. Ảnh: TTXVN

Theo Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA), thì mức lệ phí áp dụng cho thực tập sinh kỹ năng có hợp đồng 3 năm là 3.600 USD trở xuống. Nghiêm cấm thu tiền ký quỹ, cấm thu bất cứ khoản kinh phí nào từ thực tập sinh trước khi thực tập sinh được cấp Giấy chứng nhận tư cách lưu trú.

Đáng lưu ý, trong những năm gần đây, một bộ phận các công ty tư vấn du học đã đăng tải những thông tin sai lệch trên website (Phần thông tin tuyển sinh du học Nhật Bản) những dòng rất "kêu" như: "Vừa học vừa làm thêm 1 tháng cũng kiếm được 300.000 Yên (khoảng 60 triệu đồng)”; “Mức lương được nhận 1 giờ là 3.000 Yên (khoảng 600.000 đồng)”; "Trong thời gian lưu học, thu nhập từ việc làm thêm không những có thể chi trả toàn bộ các chi phí học tập và sinh hoạt, mà còn có thể gửi về gia đình”... Thực tế, những thông tin trên hoàn toàn sai lệch. Mức lương thông thường cho 1 giờ làm việc chỉ là 800 Yên (khoảng 7 USD).

Danh sách một loạt các cơ sở tư vấn du học bị đình chỉ đại diện xin cấp Visa Nhật Bản được cập nhật mới nhất.

Khuyến cáo từ Sở GDĐT Hà Nội

Đứng trước thực tế đó, Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa gửi công văn tới các trường THPT trên địa bàn để cảnh báo thông tin sai lệch về du học Nhật Bản, có mục đích lừa đảo.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở đã nhận được công văn của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông, tránh bị các công ty du học đưa thông tin không chính xác.

Chú thích ảnh
Công văn của Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến cáo các thông tin sai lệch về du học Nhật Bản.

Để tránh tình trạng lừa đảo, cung cấp thông tin không chính xác của các công ty du học, Sở GD-ĐT khuyến cáo các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học; các trường phải có công văn báo cáo của Sở GĐ-ĐT mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường.

Cùng với đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cung cấp địa chỉ trang web chính thức, có các thông tin chính xác và cập nhật về du học tại Nhật Bản để các học sinh có ý định sang học tập tại đất nước này tham khảo.

Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các trường cung cấp thông tin các trang web chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường để tránh tình trạng lừa đảo của các công ty du học.

Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến cáo, các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, sinh viên có thể truy cập vào các địa chỉ trang web chính thức có các thông tin đúng và cập nhật về du học Nhật Bản để tham khảo thông tin gồm:

Trang web của Đại sứ quán Nhật Bản (thông tin du học Nhật Bản): https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/Vn_Thongtinduhoc.html

Lưu ý về các công ty trung gian môi giới:
https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/Haycanthanvoicacdoituongmoigioitrunggian.html

Facebook của Đại sứ quán Nhật:
http://facebook.com/embassyofjapanvietnam/
L.Sơn/Báo Tin tức
Giáo dục Anh - Bài cuối: Mở rộng cửa đón du học sinh quốc tế
Giáo dục Anh - Bài cuối: Mở rộng cửa đón du học sinh quốc tế

Hệ thống đánh giá chất lượng của Anh là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng học sinh tại các trường học ở Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN