Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: Cần có các giải pháp ứng phó
Bên cạnh yếu tố khách quan là El Nino kéo dài bất thường trên phạm vi toàn cầu vừa qua, cũng cần nhìn nhận lại các yếu tố khác dẫn đến sự thiếu bền vững về an ninh nguồn nước Tây Nguyên.
Phải nhận thức một cách thấu đáo là biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra ngày càng mãnh liệt với tần suất liên tục hơn. Do đó cần thiết phải có những đánh giá về thực trạng, thay đổi tư duy, xây dựng các giải pháp ứng phó về dài hạn để giúp Tây Nguyên đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Để từ đó có được bài toán cân đối trong khai thác sử dụng nước, biến động thảm rừng và nguồn thủy sinh trên địa bàn, cơ hội và thách thức của việc phát triển thủy điện đối với tài nguyên nước Tây Nguyên…
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai: Đề nghị bố trí vốn đầu tư các công trình thủy lợi
Để hạn chế tình hình hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ dân sinh trong điều kiện thời tiết ngày càng có xu hướng cực đoan do biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn trong giai đoạn từ 2011 - 2020 để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông Ba, sông Sêrêpốk như: Hồ Ia Thul, Hồ Ia Mơr...
Khô hạn kéo dài khiến cho các công trình thủy lợi ở Đắk Lắk cạn trơ đáy. |
Bố trí kinh phí cho Gia Lai đầu tư xây dựng hồ Plei Thơ ga, huyện Chư Pưh để cung cấp nước tưới cho khu tưới của 2 công trình đập dâng Plei Thơ Ga và Đập dâng Ia Hlôp đã có với tổng diện tích 620 ha và tạo nguồn cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho vùng dự án với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Hồ Tầu Dầu huyện Đak Pơ tưới cho 100 ha lúa, 350 ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng… từ nguồn vốn biến đổi khí hậu cần triển khai ngay trong năm 2016 và vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ chống hạn; hỗ trợ thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước đối với cây trồng có giá trị kinh tế cao; xây dựng trạm bơm, hệ thống tưới vùng đất dốc lòng hồ chứa để tưới cho cà phê, hồ tiêu; xây dựng các hồ chứa nước phân tán để trữ nước phục vụ tưới. Tổng số 245 công trình với kinh phí ước tính 883,38 tỷ đồng...
Nghiên cứu cập nhật bổ sung diễn biến hạn hán tại Tây Nguyên trong thời gian qua vào Đề án Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững của Tây Nguyên.
PGS. TS. Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất thủy văn Việt Nam: Xây dựng các hồ chứa
Để lưu giữ khai thác dòng nước mặt, không có giải pháp nào tốt hơn bằng đắp đập, xây dựng hồ chứa nước. Các bậc thang thủy điện trên các sông ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu để phát điện, bổ sung dòng chảy mùa kiệt cho vùng hạ lưu tăng cường môi trường sinh thái, ít có điều kiện cấp nước để phát triển nông, lâm nghiệp trong vùng. Vì vậy, ngoài quy hoạch các bậc thang thủy điện, cần triển khai quy hoạch mạng lưới thủy lợi cỡ nhỏ để phục vụ tại chỗ. Tuy nhiên, các hồ đập cỡ nhỏ hiện có ở Tây Nguyên trong mấy chục năm qua đã không phát huy hết tác dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc qui hoạch thủy lợi ở Tây Nguyên không chỉ cần hiểu biết về nông nghiệp, nhu cầu dùng nước cho canh tác, mà phải hiểu biết sâu sắc đặc điểm hình thành và phân bố các nguồn nước mặt và nước ngầm. Lớp vỏ phong hóa của đất Tây Nguyên dày, tơi xốp, có tính thấm nước mạnh, nên tất cả các hồ nước cỡ nhỏ nếu không có nguồn nước ngầm thường xuyên cung cấp thì hầu như đều nhanh chóng bị cạn kiệt do thấm mất nước và bốc hơi. Hồ, đập chỉ xây dựng ở những nơi xuất lộ nước dưới đất, trong những dạng địa hình gần khép kín, đầu nguồn các suối.
Trong mỗi lưu vực sông, số lượng các hồ đập là bao nhiêu tùy thuộc vào các đặc điểm nêu trên. Tuy nhiên việc xây dựng đập ngăn dòng các khe suối tạo ra những hồ chứa nước nhỏ, hoặc xây dựng những hành lang thu gom các mạch nước ngầm là những giải pháp ưu tiên hàng đầu.
PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội: Giải quyết bài toán mất cân đối trong sử dụng nước
Để giải quyết bài toán khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn Tây Nguyên một cách bền vững, cần tập trung ưu tiên: Đầu tư, kiểm kê đánh giá tài nguyên nước, tìm kiếm nguồn nước dưới đất. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc vận hành của các hồ chứa lớn đã có theo hướng khai thác, sử dụng nước tổng hợp, trước hết là ưu tiên cấp nước sinh hoạt, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu để đáp ứng nhu cầu cầu khai thác, sử dụng của các ngành, địa phương ở hạ du trong mùa cạn.
Xây dựng chính sách chia sẻ nguồn nước theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo lợi ích chung. Rà soát quy hoạch phát triển tế xã hội của từng địa phương, quy hoạch phát triển của các ngành có liên quan tới sử dụng nước (đặc biệt là ngành nông nghiệp); điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước theo hướng phù hợp với khả năng cấp nước ở từng vùng, từng địa phương và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước. Rà soát quy hoạch thủy lợi, đề xuất giải pháp công trình và phân kỳ đầu tư hợp lý, đặc biệt là phù hợp với nguồn lực tài chính, tránh tình trạng quy hoạch treo. Huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, xã hội hóa. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đối tượng sử dụng nước trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình. Tăng cường nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Xây dựng và thực hiện chương trình phòng, chống và khắc phục hạn hán; xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước sinh hoạt theo các cấp độ ở các khu vực thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước. Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho các khu vực trọng điểm về hạn hán và xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất dự phòng cấp nước trong mùa hạn. Thành lập, nâng cao năng lực và thể chế của tổ chức lưu vực sông Se San-Srepok.
Tăng cường mạng lưới giám sát tài nguyên nước vùng biên giới với Campuchia và Lào ở lưu vực sông Mê Kông và thiết lập hệ thống thông tin tài nguyên nước hiện đại cho vùng lưu vực sông Mê Kông của Việt Nam; đồng thời, tăng cường mạng lưới khí tượng thủy văn, hệ thống dự báo và cảnh báo tài nguyên nước ở Tây Nguyên…