Cuối năm cũ, đầu năm mới là thời điểm mà thị trường đồ mã trở nên sôi động, đặc biệt là gần đến ngày 23 tháng Chạp, Tết ông Công, ông Táo… Việc quản lý, xử phạt những người có hành vi đốt đồ mã nơi công cộng trở thành một đề tài “nóng” đối với các nhà quản lý. Tại cuộc họp giao ban tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2011 mới đây, khi hai báo cáo của Bộ VH-TT& DL và thanh tra Bộ đều đề xuất trình Chính phủ ban hành quy định “cấm sản xuất, tàng trữ và vận chuyển đồ mã”.
Khó xử phạt việc đốt đồ mã nơi công cộng
Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Trong đó, tại điểm C, Điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2010. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm Nghị định có hiệu lực, hiệu quả thi hành của Nghị định không cao.
Hóa vàng trên phố Nguyễn Hữu Huân. |
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH, TT&DL cho biết: Mặc dù Nghị định 75 có quy định việc xử phạt hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng trên thực tế, việc xử phạt là rất khó, vì chưa có chế tài. Theo ông Phúc, Nghị định quy định việc xử phạt những người có hành vi đốt đồ mã nơi công cộng, nên nhiều khi đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội thấy cả xe chở đầy đồ mã, đưa đồ mã vào sắp xếp rồi lễ trong đền, nhưng do họ chưa đốt nên không xử phạt được. Có nơi gặp đốt cũng không phạt được, vì họ lại thuê toàn trẻ nhỏ sống quanh đó đốt… Ông Phúc đề nghị Bộ VH, TT&DL nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản cấm sản xuất, vận chuyển, sử dụng đồ mã… có như vậy quy định cấm đốt đồ mã mới có hiệu quả thực sự, nếu không có lệnh cấm sản xuất thì việc xử phạt các hành vi đốt đồ mã cũng lâm vào bế tắc.
Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam thừa nhận: Là cơ quan tham mưu cho Bộ VH, TT&DL về vấn đề quản lý việc đốt đồ mã, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã hỏi ý kiến tư vấn của nhiều giáo sư, các nhà khoa học có uy tín. Ý kiến các nhà khoa học đều cho rằng, việc đốt đồ mã trong di tích hiện nay đang trở thành vấn đề của xã hội khi nó đã đi quá giới hạn, bị lạm dụng và gây lãng phí rất lớn… Thế nhưng, các nhà khoa học cũng thừa nhận, để quản lý việc này rất khó, nếu không có biện pháp trừ tận gốc thì quản lý cách nào cũng khó thành công.
Từ thực tế qua 500 lễ hội trên địa bàn, đại diện Sở VH, TT&DL Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc đốt đồ mã tại các di tích ở địa phương không chỉ gây tốn kém, lãng phí lớn mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xâm hại di tích. Vì thế, cần sớm có quy định nghiêm cấm các hành vi sản xuất, tàng trữ và sử dụng đồ mã như nhà lầu, xe hơi, hình nhân, tiền đôla... còn giấy vàng truyền thống chỉ nên tuyên truyền hạn chế sử dụng.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình và cho rằng, muốn chấm dứt được việc đốt đồ mã, vàng mã một cách triệt để thì các cơ quan chức năng cần cấm hẳn từ khâu "đầu" là hoạt động sản xuất chứ không nên cấm kiểu "đằng đuôi" là người đốt như hiện nay.
Cấm sản xuất đồ mã - càng khó!
Việc đốt đồ mã đã trở thành vấn nạn, và việc cấm đốt đồ mã nhưng không cấm sản xuất là một nghịch lý. Nhưng liệu có thể giải quyết được không? Câu trả lời là rất khó!
Thực tế hiện nay, cấm đốt đồ mã nơi công cộng và bị cho là lãng phí, mất an toàn… nhưng theo quy định thì đồ mã vẫn là một trong những mặt hàng có trong danh mục của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho phép sản xuất và có thu thuế. Nghề làm hàng mã cũng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động tại các làng nghề truyền thống… Từ lý do đó, đại diện Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc cấm sản xuất đồ mã không đơn giản, Bộ VH, TT&DL cần có hội thảo, có bàn bạc với các bộ chức năng như Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính… làm rõ những mặt được và chưa được, nếu cấm thì phải đưa ra được lý do, điều kiện vì sao lại cấm, tính khả thi của việc cấm này ra sao… nếu không thì sẽ rất khó.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL cho rằng: Trước khi có văn bản trình Chính phủ việc cấm sản xuất, buôn bán, lưu hành, tàng trữ và đốt đồ mã; cấm sản xuất, buôn bán, lưu hành, tàng trữ và đốt tiền giả các loại… cần phải được nghiên cứu sâu hơn và lấy ý kiến đông đảo của giới nghiên cứu, các nhà quản lý và của cả người dân. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh:. Đối với lĩnh vực văn hóa không nên chỉ sử dụng các biện pháp hành chính đơn thuần, vì nếu cứ quy tắc quá sẽ lợi bất cập hại. Cần có cách làm mềm dẻo, giáo dục thuyết phục người dân từng bước thực hiện.
Có thể thấy, trong tín ngưỡng, có một số nghi lễ cần thiết và việc ngăn cấm thực hiện là một vấn đề khá nhạy cảm. Làm thế nào để các nghi lễ không bị lạm dụng, gây lãng phí là chuyện không đơn giản. Để luật pháp đi vào cuộc sống là việc làm cần thiết, nhưng cũng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nhận thức được vấn đề và có hành vi phù hợp với truyền thống. Không ai khác mà chính những địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý di tích, văn hóa và cơ quan tổ chức lễ hội cần định hướng, tuyên truyền cho người dân về các nghi thức hành lễ phù hợp với dân gian, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, tránh việc nảy sinh tiêu cực, dẫn đến việc nhờn luật pháp.
Phương Lan