Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Vẫn còn bất cập

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa có Văn bản số 3424/BVHTTDL-TĐKT hướng dẫn việc xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT) lần thứ 7 năm 2011 với một số thay đổi so với những lần trước.

Nếu trước đây việc xét tặng được tiến hành 5 năm một lần thì nay giảm xuống còn hai năm. Đồng thời, những gương mặt xuất sắc, có thành tích đặc biệt cũng sẽ được đặc cách. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định tưởng như đã được “nới lỏng” này, văn bản vẫn thể hiện những điều chưa được hợp lý vốn đã được tranh cãi từ lâu.

HCV không nên là tiêu chuẩn duy nhất

Theo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, người được xét phải có ít nhất 15 năm hoạt động nghệ thuật (với loại hình xiếc là 10 năm) và phải có nhiều giải thưởng, trong đó ít nhất 2 Huy chương vàng (HCV) quốc gia hoặc quốc tế. Đây thực sự là một tiêu chuẩn “làm khó” những người hoạt động nghệ thuật.

Giành giải thưởng trong các kỳ liên hoan là một trong các tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu.


Theo nghệ sĩ Đào Quang, trưởng Đoàn kịch Nam Định, quy định này quá thiên về những tấm huy chương mà thiếu mất việc đánh giá nghệ sĩ thông qua quá trình hoạt động nghệ thuật. “Hội diễn 5 năm mới có một lần, vậy mà yêu cầu nghệ sĩ phải có ít nhất 2 HCV thì đúng là quá khó vì có phải cứ tham gia hội diễn là có huy chương đâu”, ông Quang cho biết. Cũng theo ông Quang, những tấm HCV không phải là thước đo chuẩn mực để đánh giá người nghệ sĩ. “Có những người may mắn có được vai diễn hay ở hội diễn thì dễ dàng đoạt HCV. Ngược lại, có những người có thực tài nhưng vì một lý do nào đó không tham gia hội diễn thì hóa ra phải chịu thiệt thòi”, ông Quang lý giải.

Bên cạnh đó, có những nghệ sĩ tài năng nhưng chỉ đoạt 1 HCV và 2 HCB thì cũng không đạt chuẩn. Chính vì thế, lần này Đoàn kịch Nam Định chỉ có hai nghệ sĩ làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND và 4 nghệ sĩ hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT.

Đồng quan điểm với ông Quang, nghệ sĩ Quốc Hùng ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng cho rằng, nếu lấy tiêu chí HCV thì đa số các diễn viên trẻ đủ tiêu chuẩn, trong khi đó, những người cống hiến lâu dài cho nghề mà không có huy chương thì “trắng tay”.


Bởi đơn giản, người trẻ, đẹp thường có cơ hội được giao vai chính nhiều hơn, vì thế cơ hội đoạt huy chương cũng dễ dàng hơn. Chưa kể có những nghệ sĩ biết cách tranh thủ để kiếm về cho mình những tấm huy chương. Đó là khi đến mùa hội diễn thì tham gia vào một đơn vị nào đó tập tành nhằm đoạt giải cao nhưng đến khi có huy chương rồi thì lại ra ngoài hoạt động tự do. Theo ông Quốc Hùng, như vậy là không công bằng đối với những nghệ sĩ gắn bó mật thiết với đoàn, chịu khó chịu khổ về nghề, sẵn sàng đi đến tận các vùng xa xôi, biên giới, hải đảo để phục vụ bà con. Điều này, những ngôi sao từng đoạt huy chương không phải lúc nào cũng sẵn sàng.

Cần nhất “tâm” và “tài”

Khác với Đoàn kịch Nam Định là chỉ đề xuất một số lượng nghệ sĩ khiêm tốn, lần này Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quyết định đề xuất một số gương mặt tuy không đủ tiêu chuẩn về số lượng huy chương nhưng đủ tài, tâm và nhiệt huyết với nghề. Đó là nghệ sĩ Thoại Miêu, Trương Hồng Long, Kim Phượng... gắn bó với Nhà hát từ ngày giải phóng, đã cùng các đồng nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn để nghệ thuật cải lương không bị lãng quên. Thậm chí, khi có cơ hội, họ sẵn sàng nhường vai diễn chính để diễn viên trẻ có cơ hội khẳng định bản thân.

“Tuy không có huy chương nhưng sự cống hiến của những nghệ sĩ này cho sân khấu lại rất lớn. Nếu họ không được xét tặng danh hiệu cao quý thì thật là một sự thiệt thòi và điều đó là không công bằng đối với người làm nghệ thuật”, ông Quốc Hùng giải thích.

Nhà hát cải lương Hà Nội cũng làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT cho 6 nghệ sĩ, trong đó có đến bốn trường hợp được đề nghị ưu tiên xem xét. “Có những nghệ sĩ không có đủ 2 HCV nhưng có đến 4 HCB, như vậy họ cũng xứng đáng được tặng danh hiệu NSƯT chứ?”, nghệ sĩ Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, những diễn viên đóng vai thứ dù rất thành công thì thường cũng chỉ được trao HCB trong khi đóng góp của họ cho vở diễn thì không thể phủ nhận. “Theo tôi, nên tính 2 HCB thành 1 HCV. Bên cạnh đó nên xét thêm về ý thức, lòng tâm huyết với nghề của những nghệ sĩ có tài nhưng không có cơ hội được sở hữu những tấm huy chương”.

Để có đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đã khó nhưng nếu đủ cũng chưa hẳn nghệ sĩ đó đã chắc chắn 100% có được danh hiệu xứng đáng. Bởi theo quy định, nghệ sỹ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên. Điều này cũng là một rào cản không phải ai cũng dễ vượt qua.

Hà Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN