Được xây dựng dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của Nhà văn Tô Hoài, vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” chuyển tải thông điệp thể hiện khát vọng chung sống hòa bình, xóa tan xung đột, dám ước mơ, dám hành động… đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Dế Mèn hồi sinh trong nhạc kịch
Vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” do biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn; nhạc sỹ Vũ Việt Anh sáng tác âm nhạc và phối khí. Năm 2018, nhạc sỹ Vũ Việt Anh đã viết một tác phẩm theo phong cách âm nhạc broadway và ra mắt phiên bản hòa nhạc, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía khán giả.
Lần này, vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” được dàn dựng có kết cấu quy mô hơn, với công nghệ sân khấu hiện đại, chuyên nghiệp, mới lạ, cùng sự tham gia chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng của nhạc sỹ trưởng Trần Nhật Minh; biên đạo múa: Phúc Hùng, Trần Hoàng Yến; thiết kế ánh sáng Phúc Hải; thiết kế sân khấu, đạo cụ Khánh Toàn…
Vở nhạc kịch có thời lượng 90 phút, kết cấu thành hai chương, 10 cảnh. Trong đó, chương 1 có chủ đề “Trưởng thành”, dẫn dắt công chúng chứng kiến hành trình trưởng thành của một chú Dế Mèn, ban đầu rất tự cao tự đại, ảo tưởng về sức mạnh, chìm đắm trong những lời tán dương, tung hô tô vẽ của đám đông… Sau một hành động ngỗ nghịch gây hậu quả nghiêm trọng, Dế Mèn vô cùng ân hận, chợt tỉnh ngộ, ý thức được cuộc sống của mình đang bị giam cầm trong chiếc lồng son, làm trò mua vui cho thiên hạ, làm ác mà không biết… Sau khi tỉnh ngộ, Dế Mèn đã trưởng thành hơn, nhận ra rằng tình yêu thương là cái gốc của vạn sự trên đời, bắt đầu nghĩ và làm những điều tử tế, anh hùng, trượng nghĩa giúp đỡ những người yếu thế…, từng bước trưởng thành trong cuộc sống.
Chương 2 có chủ đề “Thế giới đại đồng”, đưa công chúng đến với những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Dế Mèn cùng người bạn tri kỷ là Dế Trũi. Trong hành trình phiêu lưu ấy, đôi bạn du hành đến những vùng đất mới, trải qua nhiều khó khăn, khắc nghiệt, chứng kiến sự nổi giận của mẹ thiên nhiên nhưng cũng học được nhiều điều hay. Khi lạc vào Xóm Cóc, Dế Mèn như xuyên không về quá khứ nơi có những lệ làng, những tổng Cóc - đại vương Ếch giả tạo, sáo rỗng, khoa trương. Đối diện với cái xấu, cái lạc hậu Mèn và Trũi hiểu rằng, còn phải đi xa hơn, học hỏi nhiều hơn những điều hay, chứ không thể như ếch ngồi đấy giếng.
Mèn và Trũi đến hội làng Võ, vô tình bị cuốn vào trận chiến bảo vệ dân làng giành chỗ ẩn náu với cánh Châu Chấu Voi giang hồ. Trong cuộc chiến này, Mèn và Trũi lạc nhau, Mèn lên đường đi tìm Trũi. Trong hành trình tìm lại bạn, đã có lúc, Dế Mèn suýt bị những cảnh đẹp và sự du nhàn ru ngủ, suýt quên đi mục đích ban đầu của mình. Nhưng rồi, cũng chính thiên nhiên cùng những câu chuyện về vạn vật quanh mình, đã nhắc Dế Mèn hiểu rộng hơn về ý nghĩa cuộc sống, nuối tiếc thời gian trôi đi vô tích sự, chán ngán cảnh ăn chơi dông dài, biếng nhác núp bóng ngày tháng tiêu dao nhưng không giúp ta trở thành người có ích... Mèn kết thân với làng Kiến chăm chỉ, nhẫn nại, hòa mình vào tập thể, nảy sinh ý tưởng đi khắp nơi kết giao với người tốt, những người bạn có chí lớn... Không may trên hành trình khám phá, Mèn lọt vào tay Lão Chim Trả gian manh, bị buộc phải làm quản gia mà kỳ thực là tù binh trong biệt thự của Chim Trả. Sống trong cảnh bức bí trốn tù đầy, Mèn càng thấm thía hơn những bài học đường đời, khát khao tự do, khát khao được kết nối và hạnh phúc…
Vở nhạc kịch khép lại với màn kết coda có chủ đề “Thế giới đại đồng”. Ở đó, Mèn, Trũi cùng muôn loài của ngày hôm nay đều khác trước, cùng chung chí hướng đi khắp bốn phương học lấy điều hay, điều tốt, biết yêu thương, biết sẻ chia, biết ước mơ. Mỗi người vì mọi người, dù có đi muôn ngả cũng không ai còn lẻ loi, tới đâu cũng đầm ấm, tới đâu cũng có tình yêu thương, cùng nhau xây đắp nên một thế giới mới - thế giới đại đồng - muôn loài cùng nhau kết làm anh em…
Vở diễn có sự tham gia của những nghệ sỹ soloist tài năng hàng đầu thuộc Đoàn nhạc kịch Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh như: Đào Mác (Dế Mèn), Phan Hữu Trung Kiệt (Dế Trũi), Phạm Khánh Ngọc (Chị Cốc), Trần Thanh Nam (Xiến Tóc), Trần Thị Kim Anh (Nhà Trò), Vũ Minh Trí (Thầy đồ Cóc)… cùng các nghệ sỹ Hồ Hoàng Ngọc, Lý Hoàng Kim, Nguyễn Phan Mạnh Duy, Bùi Danh Hùng, Nguyễn Tuấn Dương, Khánh Thy, Trương Thành Nhân, Thế Phương... Ngoài ra, còn có Dàn hợp xướng, Đoàn vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng, Dàn hợp ca thiếu nhi và ban nhạc nhẹ.
Biểu cảm của tâm thức văn hóa Việt
Có thể nói, trong vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký”, nghệ sỹ Tuyết Minh, tác giả kịch bản và tổng đạo diễn vở nhạc kịch đã đưa khán giả trải nghiệm một chuyến viễn du ngược miền ký ức, trường đoạn nào trong không gian ấy cũng thẫm đẫm chiều sâu văn hóa Việt qua thanh âm, ca từ, vũ điệu kết nối con người với con người, kết nối giữa con người với thiên nhiên, kết nối giữa truyền thống - đương đại và tương lai. “Dế Mèn phiêu lưu ký” phiên bản nhạc kịch được thiết kế nhiều dòng chảy tư duy đồng hiện, ở mỗi dòng đều lấp lánh những câu chuyện của ngày hôm qua và cả hôm nay, sự chiêm nghiệm để trưởng thành ở ngày mai. Cuộc phiêu lưu được trải nghiệm bằng tuổi trẻ của Dế Mèn hay chính là hành trình đi tìm tình yêu, tình bạn, hành trình đi tìm hạnh phúc của mỗi người.
Nghệ sỹ Tuyết Minh chia sẻ, chị có gần 1 năm để xây dựng ý tưởng, hình thành kết cấu hình hài của tác phẩm, đồng thời viết các lời thoại cho các tuyến nhân vật, lời văn gợi ý cho các ca khúc sẽ sáng tác mới mang tính nhạc kịch hơn, xâu chuỗi được các phân cảnh, trường đoạn… Vở diễn ứng dụng tối đa phong cách nhạc kịch broadway, một loại hình sân khấu hấp dẫn nhất hiện nay trên thế giới, kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam, nhạc cổ điển với nghệ thuật thị giác của sân khấu. Vũ đạo lộng lẫy từ chất liệu dân gian dân tộc Việt bay bổng trên nền tảng cổ điển Châu Âu sang trọng. Âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cho hợp xướng và các giọng hát solo cùng với diễn xuất sinh động, kỹ thuật chuyên môn cao của các nghệ sỹ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Theo nghệ sỹ Tuyết Minh, êkip sáng tạo “Dế Mèn phiêu lưu ký” đều là những người yêu, gắn bó với văn hóa truyền thống, bởi vậy các nghệ sỹ đều chủ động mang tâm hồn Việt là điểm bắt đầu, ẩn dụ về tâm thức làng, gắn kết thiên nhiên… các mảng không gian được chuyển khéo léo, các chi tiết chấm phá để gợi tả tính ước lệ cao nhất, trong đó hàm chứa giá trị sống, vẽ lên chiều sâu văn hóa, phảng phất hình ảnh của người nghệ sỹ với nỗi lòng, với sự trải nghiệm, chiêm nghiệm thành thực nhất. Dế Mèn lúc này là đời, là người, là biểu cảm của tâm thức văn hóa Việt.
Nghệ sỹ Tuyết Minh cho biết, thông qua vở diễn, chị muốn gợi lại những cảm thức nếp xưa, qua những thủ pháp nghệ thuật được đẩy vào lúc đậm lúc nhạt, qua thanh âm, ca từ, đối thoại, qua hình ảnh trực quan bằng ngôn ngữ múa, có thể chỉ đơn giản như những chiếc lá tre đang bay, cái rét tê tái của mùa đông, cầu treo lắt lẻo, sông nước mênh mang, đôi khi chỉ đơn giản là đưa khán giả cảm giác đang được hít thở trong không gian thanh mát… để mỗi khán giả khi xem vở diễn có thể tạm thời bỏ qua những hối hả giữa bộn bề của nhịp sống đương đại, trở về với những giấc mơ đã chìm sâu trong thế giới nội tâm, đánh thức ký ức, đánh thức phần tâm hồn trong sáng thức dậy trong mỗi con người.