"Con cái là tài sản lớn nhất của vợ chồng mình" - người vợ đã trối trăng với chồng như vậy vào phút lâm chung. Và người chồng, cũng đã tâm niệm như vậy cả đời. Thế nhưng, 5 đứa con của ông bà, với những cái tên đầy ý nghĩa: Trung - Tín - Hiếu - Lễ - Nghĩa lại không phải đứa nào cũng biết được điều đó.
Một cảnh trong vở diễn "Báo hiếu". |
Sống quen ở thành phố, quen với việc "đồng tiền là to nhất", Trung - Tín - Hiếu đã đối xử với người cha già từ quê lên như một "cái nợ". Bốn năm đầu tiên khi ông bố từ quê lên, vợ chồng người con trưởng (Trung - do Vĩnh Xương đóng) giữ ông lại để trông nhà, chăm con cho; nhưng cũng chỉ cho bố ở tầng thượng mùa hè thì nóng, mùa đông thì rét buốt, cả năm không thèm hỏi thăm, không biết bố ăn uống "sống chín, mặn nhạt" ra sao. Cô con dâu trưởng thì suốt 4 năm mỗi ngày 5 lần đá thúng đụng nia, biết bố chồng thích ăn thịt chó nhưng cả 4 năm trời nhất định không mua cho ông một bữa.
Rồi đến ngày khi bố đã già, sức đã yếu, nhà đã không cần trông, con cái đã lớn đi học hết, thì vợ chồng người con trưởng quyết định chia quyền "báo hiếu" với 2 người em trai cũng ở thành phố là Tín và Hiếu, mỗi người 4 tháng nuôi bố. Kiểu báo hiếu được gọi là "Hiếu quay vòng" khiến người cha già cười ra nước mắt. Nhưng chưa hết, khi phát hiện ra ông bố có 1 cái cơi trầu gia bảo mà đi đâu ông cũng khư khư ôm theo, thì cả 3 người con đều đoán già đoán non về vàng, bạc, ngọc, giấy tờ đất trong đó. Họ thay nhau săn đón bố để xin chia của. Cuối cùng, Trung - người con trưởng - còn quyết định cho bố uống thuốc ngủ để "moi ruột" cái cơi trầu...
Chuyện báo hiếu "thành phố" khiến người xem đau lòng tới trào nước mắt. Nhưng vẫn còn điều mừng khi những người con ở quê là Lễ và Nghĩa, tuy nghèo rớt mùng tơi, nghèo tới mức chắt chiu cả 4 năm không đủ tiền mua con lợn giống, nhưng vẫn một lòng hiếu đễ với bố. Bị các anh khinh rẻ, bị cấm đoán 4 năm trời không được gặp bố, nhưng họ, với tấm lòng của những người con đã mỗi tháng để dành ra 20.000 đồng, tổng cộng 4 năm là 960.000 đồng để biếu bố ăn quà (trong khi những người con ở thành phố kiếm vài chục triệu một tháng thì biếu bố 35.000 đồng với 50.000 đồng đã tính toán, kể lể). Và cũng là hai chị em Lễ và Nghĩa đã cõng bố bỏ trốn về quê, để ông có thể sống cuộc sống vui vẻ, bình yên của mình...
Câu chuyện không có nhiều mâu thuẫn, cao trào, nội dung không quá mới, quá kịch tính, không gian sân khấu không quá đồ sộ, đa sắc (duy nhất có không gian nhà con trai cả và không gian ở làng quê), không có nhiều đất cho những "mảng miếng" của đạo diễn Lê Hùng thể hiện; thế nhưng cũng thật sự đáng mừng khi vở diễn đã thành công ở một chừng mực nhất định, để lại trong lòng khán giả những dư âm có chút chua chát, những suy nghĩ có chút tự vấn khi ra khỏi nhà hát.
"Báo hiếu" là vở diễn đầu tiên của Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam, ra mắt tối 18/4 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Vở do tác giả Phạm Văn Quý viết kịch bản, đạo diễn NSND Lê Hùng, với sự thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch (thuộc Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam).
T.A