Nhân sự kiện "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO vinh danh, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Kế San (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
Nghi lễ Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). |
´Thưa ông, xin ông cho biết cảm nhận của ông và nhân dân tỉnh Phú Thọ, về việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Vào lúc 12 giờ 9 phút (giờ Pari) ngày 6/12/2012, tại thủ đô của nước Pháp, hội nghị lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ của tổ chức UNESCO đã chính thức vinh danh công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui mừng, phấn khởi, xúc động và xen lẫn niềm tự hào khi một di sản văn hóa đặc sắc của Phú Thọ nói riêng, và đất nước Việt Nam nói chung, được thế giới vinh danh. Điều này khẳng định đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", biết ơn công lao to lớn của tổ tiên, những người đã có công dựng nước đối với dân tộc Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Niềm vui này không chỉ của mỗi người con trên quê hương Đất tổ Vua Hùng, mà còn là niềm vui mừng, phấn khởi của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài trước một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, bởi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sâu sắc nhất hai chữ "đồng bào".
´Thưa ông, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đã được công nhận?
Việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được thế giới vinh danh là vinh dự lớn lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trước đồng bào cả nước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản, bởi tỉnh Phú Thọ được vinh dự thay mặt nhân dân cả nước hương khói, thờ cúng các Vua Hùng.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ phải xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", nhưng trước mắt sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản đến với đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc thêm về "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", đó là dân tộc Việt đều có chung một ông tổ - Hùng Vương và dân tộc Việt Nam thể hiện sự trân trọng biết ơn người đã có công dựng nước; thông qua thờ cúng Hùng Vương để gắn kết cộng đồng, đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tiếp tục quan tâm chăm lo, đầu tư tu bổ, tôn tạo các nơi thờ cúng Vua Hùng, các vợ con, tướng lĩnh của các Vua Hùng, mà trước hết là Khu di tích lịch sử Đền Hùng, bởi đó là nơi hội tụ, thực hành cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ba là, chuẩn bị tổ chức tốt Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013, gắn với việc đón nhận bằng công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là nhân dân khu vực ven Đền Hùng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thực hành "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", bởi người dân chính là chủ thể trong việc lưu giữ, trao truyền "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" qua hàng ngàn năm, đến nay được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tạ Văn Toàn (thực hiện)