Unesco vinh danh 'Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'

Hồi 12 giờ 10 (giờ Pháp, tức 18 giờ 10 giờ Việt Nam) ngày 6/12, Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã diễn ra ở Pari (Pháp), tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


 

Phần giới thiệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

 

Ngay sau khi Chủ tịch kỳ họp Arley Gill, người Grênađa, gõ búa thông qua hồ sơ của Việt Nam, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến chúc mừng và chia sẻ niềm vui với đoàn đại biểu Việt Nam.


Không giấu được sự xúc động, Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết đây là một tin vui, một vinh dự đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng. Niềm vui này đối với tỉnh Phú Thọ còn tăng lên gấp đôi, bởi năm ngoái, hồ sơ Hát Xoan của tỉnh này cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận, cho thấy thế giới thừa nhận và đánh giá rất cao đời sống tâm linh của người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Theo Đại sứ Dương Văn Quảng, trong bối cảnh hội nhập văn hóa, đa dạng văn hóa, việc "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được công nhận chứng tỏ sức sống của văn hóa Việt Nam, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập với thế giới.


Ngay sau khi "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trao đổi nhanh tại trụ sở UNESCO về niềm vui mới này. Ông Hoàng Dân Mạc chia sẻ: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm". Ông cho biết, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, Phú Thọ sẽ có rất nhiều việc phải làm, trước mắt là bắt tay ngay vào soạn thảo một chương trình hành động với nhiều nội dung, trong đó có việc trùng tu tôn tạo, gắn di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể tại đền thờ Vua Hùng.


Bày tỏ niềm tự hào khi Việt Nam lại có thêm một di sản được UNESCO công nhận, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho biết để có được niềm vui hôm nay, Việt Nam đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ trình Ban thư ký Công ước 2003 về văn hóa phi vật thể của UNESCO. Bà Lê Thị Minh Lý khẳng định trong những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm rất nhiều đến các di sản văn hóa phi vật thể và đã có chiến lược lâu dài bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa nói chung, đặc biệt là di sản của các dân tộc thiểu số.


Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 28/11, bà Cécile Duvelle, Trưởng ban thư ký Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đã đánh giá cao việc chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ, cụ thể hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" của Việt Nam.


Trong quá trình nghiên cứu, xem xét hồ sơ đề cử, hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" được các chuyên gia UNESCO đánh giá tốt và đã đạt được 5 tiêu chí: Tục lệ thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào và đoàn kết dân tộc; tín ngưỡng này khi được công nhận sẽ khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhận thức chung về tôn trọng đa dạng văn hóa trong cộng đồng; những biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng do ngân sách của Nhà nước và chính quyền địa phương bảo đảm, những biện pháp này nhằm bảo đảm việc duy trì và phát triển tín ngưỡng, đồng thời vẫn giữ nguyên được tính thiêng liêng và các quy định khác của tín ngưỡng; đại diện của các làng, xã, cũng như những thành viên của ban tổ chức lễ hội đã đóng góp tích cực cho việc chuẩn bị hồ sơ, đồng thời thể hiện được sự đồng thuận; "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đã được duyệt bởi Viện Văn hóa và Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, dựa trên những ý kiến đóng góp của các cộng đồng dân cư thuộc 13 huyện ở Phú Thọ.


Lê Hà - Trung Dũng - Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Pháp)

Niềm vinh dự của Việt Nam
Niềm vinh dự của Việt Nam

Nhân dịp “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu của nhân loại, phóng viên TTXVN tại Pháp đã phỏng vấn Đại sứ Dương Văn Quảng (ảnh), Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN