Văn hóa đọc: Đọc sách tự giác mới có hiệu quả

Sự đa dạng, phong phú của thời đại truyền thông đa phương tiện khiến giới trẻ ngày càng có rất nhiều lựa chọn. Điều đáng mừng là các em đã không quay lưng lại với sách. Tuy nhiên, để thu hút giới trẻ đến với văn hóa đọc đòi hỏi nhà xuất bản, phát hành cố gắng hơn nữa. Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.

Ông từng nói “văn hóa đọc cần bắt đầu từ nhà trường”. Điều này nên hiểu như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, ngoài hoạt động quảng bá vẫn còn nhiều cách để đưa sách đến với độc giả và ngược lại. Trong đó con đường quan trọng và thường xuyên hơn là qua các hoạt động của nhà trường. Ví dụ như chúng ta có thể tạo dựng cho các em một thư viện ngay tại trường học của mình. Đây sẽ là nơi để các em học tập, vui chơi, rèn luyện nâng cao tâm hồn và bản lĩnh của mình…

Mặc dù vậy, thư viện trường học chưa đủ sức hấp dẫn để kéo các em rời xa các quán Internet bởi sách chưa phong phú, không gian chưa đẹp, không khí ồn ào…

Cha mẹ nên có thói quen mua sách cho con từ nhỏ. ẢNH: Lê Phú


Nhưng không ít người cho rằng giới trẻ hiện nay thờ ơ với văn hóa đọc. Tại sao vậy, thưa ông?

Làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu tinh thần thì ngoài thói quen đọc sách, chúng ta cần hướng dẫn cho giới trẻ kỹ năng chọn sách, đọc sách. Các em phải biết phân loại và tìm đọc theo mục đích của mình: Sách văn học, giải trí, khoa học… Các em cũng phải biết ứng dụng sách vào cuộc sống. Bên cạnh đó chúng ta cũng phải chỉ cho giới trẻ thấy được tầm quan trọng của sách. Chỉ khi các em thấy yêu quí sách và việc đọc là tự giác thì mới có hiệu quả…

Theo ông có nên quy định độ tuổi đọc đối với từng cuốn sách như nhiều nước vẫn làm?

Trong thực tế, trên các cuốn sách dành cho người trẻ (đặc biệt là đối tượng trẻ em), người Nhật luôn kèm theo dòng: “Dành cho…” bao gồm giới tính, độ tuổi… Ở nước ta, trước đến nay chưa có tiền lệ ấy nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên lưu ý đến việc này. Tôi còn nhớ ông TS. Tâm lý Yoko Ota, người Nhật từng phân tích chuyện này: “Đọc truyện tranh dễ bị kích động tâm lý. Ví dụ trẻ em đang ở độ tuổi dậy thì đọc nhánh truyện cho nam giới nhiều bạo lực, cảnh máu me… có thể bị ảnh hưởng đến đời thực”. Điều đó đáng để chúng ta quan tâm, lưu ý! Đành rằng, ở Việt Nam chưa xuất hiện nhiều những cuốn sách dạng này nhưng nguồn trên mạng thì đầy rẫy. Nếu không đủ khả năng phân loại thì có thể kiểm tra chủ đề, thấy không phù hợp thì cần tránh xa ngay.

Giới trẻ hiện nay ngày càng có rất nhiều sự lựa chọn, ngay cả với sách. Để giới trẻ không quay lưng lại với văn hóa đọc, các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách cần phải làm gì, thưa ông?

Làm sách cho đối tượng độc giả trẻ bắt buộc người làm sách phải thông minh hơn, nhanh hơn, biết quan sát và lắng nghe nhiều hơn. Đó là ý kiến của cá nhân tôi!

Theo khảo sát của chúng tôi, giới trẻ hiện nay đòi hỏi những cuốn sách có nội dung hiện đại hơn. Ngoài sách văn học, các em còn đọc cả những cuốn sách phục vụ kỹ năng sống, giải trí… bên cạnh việc đọc để thu nhận kiến thức. Nhiều em còn rất nhỏ đã có khả năng đọc và hiểu khá tốt 1- 2 ngoại ngữ và đòi hỏi cách thể hiện cũng phải nhanh hơn, linh hoạt hơn, thích nghi với nhịp sống hiện đại. Điều này chứng tỏ sự thích nghi với xu thế thời đại của giới trẻ hiện nay!

Có một sự cách biệt về văn hóa đọc của giới trẻ nông thôn và thành thị. Thậm chí, ở nhiều vùng nông thôn nước ta, có những bạn trẻ chưa bao giờ đọc một cuốc sách. Nhiều nơi, văn hóa đọc vẫn là “vùng trắng”…

Đó là một thực tế đáng buồn! Sự chênh lệch mức sống và hưởng thụ văn hóa quá lớn đã tác động mạnh mẽ đến nền văn hóa đọc. Hy vọng, trong tương lai, khoảng cách về văn hóa đọc của giới trẻ nông thôn và thành thị sẽ được rút ngắn dần nếu có sự quan tâm chung của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Khánh Linh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN