Vân Ánh (ảnh) không chỉ là một trong những nghệ sĩ có công lớn đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra nước ngoài mà cô còn đem đến cho cây đàn tranh một sự thăng hạng tuyệt vời giữa nước Mỹ. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Vân Ánh nhân dịp cô về nước biểu diễn trong tháng 7 này.
Vân Ánh nghĩ gì khi nhạc cụ dân tộc nói chung và cây đàn tranh nói riêng chưa có được sức hút với đông đảo công chúng Việt Nam?
Em rất buồn vì nhạc dân tộc Việt Nam đang đi xuống quá mức. Em nghĩ rằng muốn công chúng, nhất là công chúng trẻ quan tâm và yêu thích nhạc dân tộc thì cần phải làm mới. Có thể nói khái niệm “cổ truyền” là vốn cổ nhưng “truyền thống” lại là có sự tiếp biến. Vừa kế thừa, vừa bổ sung làm mới.
Thử so sánh dễ hình dung thế này, chế biến món ăn Việt Nam đều cần nước mắm nhưng gia giảm các thức pha chế thế nào để dễ ăn, hợp miệng đều cần có thay đổi trong các thời kỳ nhất định.
Từ đó có thể thấy, nếu là món ăn tinh thần mà cũ thì sẽ bị người tiếp nhận quay lưng. Song điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc ở nước ngoài là phải giữ được hồn nhạc Việt.
Vân Ánh đánh giá về nhạc dân tộc Việt Nam hiện đang được biểu diễn trong một số ban nhạc ở trong nước thế nào?
Em thấy rất đáng khích lệ. Tuy có thể còn có việc sử dụng play back nhưng hình ảnh nhạc cụ dân tộc và tiếng đàn được vang lên trong bất cứ sự xuất hiện nào cũng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để phát triển thực thụ thì cần đi vào chiều sâu chuyên môn hơn. Đó là kỹ thuật chơi đàn, khả năng diễn tấu và nghệ thuật biểu diễn của người nghệ sĩ.
Vân Ánh hãy đưa ra một số kết hợp hiệu quả trong việc diễn tấu đàn tranh?
Đó là chơi đàn tranh solo cùng các nhạc cụ khác. Ở Mỹ, em đã được mời tham gia biểu diễn cùng các nhóm tứ tấu, nhóm nhạc Jazz nổi tiếng ở New York. Đàn tranh khi phối hợp sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ và được khán giả đánh giá cao. Khi đó người nghệ sĩ có cơ hội trình tấu ngẫu hứng tại chỗ.
Duyên nợ với cây đàn tranh đã “thăng trầm” với Vân Ánh như thế nào?
Em sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, ở giữa khu tập thể của khu văn công Mai Dịch, Hà Nội. Bố em là một nghệ sĩ guitar của dàn nhạc dân tộc…Vì được tiếp xúc với âm nhạc và các nghệ sĩ từ nhỏ nên việc say mê âm nhạc đến với em khá tự nhiên.
Gần đây nhất, tác phẩm nhạc nền em sáng tác cho bộ phim tài liệu “Bolinao 52” đã đoạt giải Emmy năm 2009, nhờ đó em trở thành nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc đầu tiên của Việt Nam tham gia được vào những giải thưởng âm nhạc quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của nước Mỹ.
Trong một chuyến lưu diễn ở Mỹ, em đã gặp, rồi sau đó yêu và kết hôn với một Việt kiều Mỹ, anh Steven Huỳnh. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là chính mối nhân duyên đó đã đem lại cơ hội để em đến với các hoạt động từ thiện sau này. Có buổi biểu diễn từ thiện em đã thu về 150.000 USD cho người nghèo cùng với hơn 1.000 xe lăn cho người tàn tật Việt Nam.
Hiện tại, ngoài các hoạt động từ thiện và các buổi biểu diễn đàn tranh trên đất Mỹ, em cũng đang dạy bộ môn âm nhạc dân tộc này cho những người yêu thích văn hóa, âm nhạc Việt Nam ở nơi đây. Em muốn dạy đàn tranh vì muốn chia sẻ những kiến thức về văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa dân gian mà mình biết với cộng đồng Việt Nam, cũng như bạn bè quốc tế. Học sinh học đàn của em rất đa dạng, trẻ nhất là 6 tuổi và lớn tuổi nhất là 82 tuổi. Trong số học trò hơn một nửa là người Việt nhưng cũng có học sinh người Ấn Độ hoặc là người Mỹ, hoặc Tây Ban Nha. Ai có tấm lòng yêu âm nhạc cũng như muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thì mình đều sẵn lòng giảng dạy và “truyền bá” về văn hóa và âm nhạc Việt Nam. Thực tế cho em cảm nhận rằng nhạc dân tộc Việt Nam được đón nhận nồng nhiệt bởi nó gắn liền với gốc văn hóa sống của người Việt Nam.
Em đã cho ra một đĩa CD với tựa đề tiếng Anh là “She’s not She” với sự kết hợp của nhạc dân tộc Việt Nam với cách trình tấu mang tính quốc tế nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa âm nhạc Việt Nam tới bạn bè thế giới. Trong đó bài thứ 5 “ She’s not She” được lấy làm tựa đề cho CD (tạm dịch: Cô ấy không còn là cô ấy hôm qua) đã thể hiện một sự đổi thay rất nhiều. Cho dù em vẫn là em nhưng suy nghĩ về âm nhạc, suy nghĩ về cách đưa đàn tranh đến với công chúng đã khác hoàn toàn.
Năm 1995, Vân Ánh đã giành giải Nhất trong cuộc thi đàn tranh quốc gia của Việt Nam cùng với giải Nhất cho màn độc tấu nhạc dân tộc hiện đại. Cô cũng đã được lựa chọn để tham gia các chuyến trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam ở khoảng 20 nước trên thế giới. Từ năm 2000 cô sang Mỹ cùng chồng và tiếp tục tham gia các hoạt động biểu diễn và làm từ thiện tại Mỹ. |
Ở Mỹ, em hạnh phúc được là người đầu tiên giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên kênh truyền hình KTSF 26 (kênh truyền hình châu Á tại khu vực vùng vịnh San Francisco) của Mỹ.
Em luôn cố gắng để có thể chia sẻ với khán giả các sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, đem lại khuôn mặt hay một con đường mới cho đàn tranh. Với những sản phẩm tiếp theo, những lần trình diễn tới em luôn muốn đậm tính dân gian và màu sắc Việt Nam hơn nữa, nhưng vẫn có tính quốc tế cao.
Vân Ánh sẽ nói gì với những người chưa biết về đàn tranh, chưa yêu tiếng đàn tranh, làm sao thu hút họ đây?
Nếu vậy thì em sẽ đàn họ cho nghe, đàn bằng nguyên cảm xúc của mình. Có lẽ sau đó em sẽ không cần nói gì nữa. Em yêu và tin tưởng ở tiếng đàn của mình.
Cảm ơn Vân Ánh!
Thiên Anh