Sự kiện báo chí cả nước đồng loạt đưa tin về kết quả cuộc tuyển chọn phim đại diện cho Việt Nam đi dự giải Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài cho thấy công chúng rất quan tâm đến việc này, nhất là sau 2 năm chúng ta không chọn nổi một bộ phim để đến với giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất thế giới này. Thế nhưng kết quả cuộc tuyển chọn đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Sao lại là Khát vọng Thăng Long?
Có thể ví ước mơ về một giải thưởng ở Oscar với điện ảnh Việt cũng giống như ước mơ đội tuyển Việt Nam được tham dự Wolrd Cup. Và sự hồi hộp chờ đợi và hy vọng không chỉ có ở công chúng yêu điện ảnh mà còn ở những người làm nghề. Nhưng họ đã thất vọng.
Khẩu vị của Oscar
Tuy Oscar không đưa ra một bảng tiêu chí cụ thể cho các bộ phim tham dự nhưng nếu theo dõi kết quả hàng năm thì sẽ thấy giải thưởng này đề cao những bộ phim có câu chuyện không biên giới, có thể khiến người xem khắp 5 châu không phân biệt thành phần giai cấp, màu da đều hiểu và chạm được đến trái tim của họ. Trong lịch sử Oscar, hầu hết những bộ phim lịch sử mang phạm vi quốc gia tham gia ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài đều không vào được danh sách 5 đề cử. Những phim về lịch sử lọt vào danh sách này đều phải đề cập đến những sự kiện lịch sử mà cả thế giới đều biết đến kiểu như Chiến tranh và hòa bình của Nga hay Cuộc sống tươi đẹp (Life is beautiful) của Ý. Thậm chí, Đường sơn đại địa chấn của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, một bộ phim gây xúc động với bất cứ ai đã xem và tạo cơn sốt ở các phòng vé khắp châu Á cũng trượt đề cử vào năm ngoái bởi phim thảm họa chẳng có gì độc đáo với Mỹ, họ đã tạo ra những bộ phim thảm họa còn “đỉnh” hơn thế nhiều. Trong khi đó, Cúc đậu hay Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu lại được chấp nhận dù câu chuyện được đưa ra chỉ là của một cá nhân rất nhỏ nhưng rất độc đáo, phơi bày hiện thực xã hội Trung Quốc thời bấy giờ với những phong tục đậm đặc - thứ mà người phương Tây rất tò mò muốn biết. Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca cũng là một trường hợp như vậy. Có thể có người sẽ đặt Khát vọng Thăng Long vào tương quan so sánh với Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An (được 10 đề cử và thắng 4 giải tại Oscar 2001) nhưng xin nói rằng cũng là phim cổ trang nhưng câu chuyện chính trong Ngọa hổ tàng long không phải lịch sử mà là tình yêu, thêm nữa, ở Oscar, đây là bộ phim đầu tiên cho thế giới biết vẻ đẹp tuyệt mỹ của võ thuật phương Đông. Ở châu Á, Nhật Bản là nước có nhiều phim chiến thắng tại Oscar nhất trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài, hầu hết đều đưa phim với nội dung đương đại đi thi, ví dụ mới nhất là Departure của đạo diễn Yojiro Takita chiến thắng tại Oscar 2010.
Có một số người vị nghệ thuật bày tỏ sự tiếc vì Bi, đừng sợ! không được vào vòng tuyển chọn trong khi đã có những chiến thắng ở Cannes vừa rồi nhưng thực chất Bi, đừng sợ! thuộc dòng phim tác giả và chỉ hợp với “khẩu vị” của châu Âu. Câu chuyện của Bi rất riêng tư và nó là phim “tiên phong” (advant-garde) với những tìm tòi mang tính cá nhân của riêng tác giả, còn Oscar, như đã nói, thường đón mừng những bộ phim mang tính đại chúng, có câu chuyện dễ hiểu, dễ chạm đến trái tim người xem.
Khẩu vị của ban tuyển chọn VN
Trước hết phải nói rằng, những năm gần đây, sự phân biệt giữa điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân đã không còn mạnh mẽ như lúc nền điện ảnh đang ở giai đoạn giao thời, việc xã hội hóa sản xuất phim mới được khuyến khích. Và rõ ràng điện ảnh tư nhân đang giương cao ngọn cờ và thắng thế trên toàn cục. Việc chọn Khát vọng Thăng Long nhìn thì có vẻ thể hiện tính bình đẳng nhưng không phải vậy. Khát vọng Thăng Long là phim tư nhân nhưng thuộc kiểu phim “cúng cụ”, xác của tư nhân mà hồn lại của… Ban chỉ đạo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong danh sách đề cử này (với 3 phim: Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long và Cánh đồng bất tận) thì 2 trong số này được làm nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tuy nhiên, Cánh đồng bất tận nhỉnh hơn về mọi mặt, từ chủ đề đến kỹ thuật… Đặc biệt, chủ đề của Cánh động bất tận hợp với “khẩu vị” của Oscar nhất khi đề cập đến hiện thực xã hội mà thế giới muốn biết, về sự thay đổi của một đất nước đã trải qua 2 cuộc chiến tranh. Đặc biệt, cảnh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi, cảnh chăn vịt, sinh hoạt của người dân… là những thứ rất đặc sắc mà người phương Tây thích nhất ở Việt Nam. Đó chính là bản sắc dân tộc chứ không phải cứ lịch sử, cổ trang mới mang bản sắc dân tộc. Chưa kể, lịch sử ở Khát vọng Thăng Long không chỉ là vấn đề rất riêng tư của một đất nước mà còn 7 phần hư 3 phần thực, trang phục cũng không rõ ở thời nào. Câu chuyện phim thì chính khán giả Việt xem xong còn thấy mù mờ. Tên phim một đằng còn nội dung thì chạy một nẻo, nói về sự kiện lịch sử dời đô nhưng chính bản thân sự kiện này cũng không hề có trong phim. Đến như Xích Bích của Ngô Vũ Sâm, bộ phim cổ trang nói về sự kiện lịch sử thời Tam quốc cả thế giới biết đến qua tiểu thuyết Tam quốc chí khi mang chiếu ở phương Tây còn phải cắt đi một nửa (từ 4 tiếng xuống còn 2 tiếng) cho dễ hiểu.
Nhân đây, thử giở lại Quy chế tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài được ban hành năm 2007: “Về nội dung: phim tham dự tuyển chọn quốc gia phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và cho phép phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước; Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện; Ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và sử dụng lời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt”. Trong quy chế này, chỉ có tiêu chí “Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện” và “sử dụng lời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt” là có dính dáng tới phim (nhưng vẫn phải nói rằng phải có “tính nhân văn sâu sắc” thì cũng là một cách nói rất chung chung). Còn tiêu chí được đề cao nhất “Ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam” là tiêu chí cực kỳ chung chung có thể gắn cho mọi ngành nghệ thuật từ sân khấu, múa, ca nhạc... Và nhìn vào kết quả ban tuyển chọn đưa ra thì thấy dường như ban này chỉ muốn an toàn và chọn cho xong chuyện, để dành thời gian giải quyết khi những lùm xùm nội bộ của Cục Điện ảnh và scandal thất thoát 42 tỷ đồng đang gây phẫn nộ với công luận. Nhưng kết quả này còn khiến những người yêu điện ảnh phẫn nộ hơn, vì dường như nó không thể hiện cái tâm của những người được giao trọng trách lựa chọn đại diện Việt Nam tại “đấu trường điện ảnh thế giới”, họ dường như không thực sự vì điện ảnh mà lựa chọn.
Chưa ai qua được Mùi đu đủ xanh
Điện ảnh Việt Nam chính thức được Viện hàn lâm khoa học và điện ảnh Hoa Kỳ gửi thư mời tham dự Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất từ năm 2006. Lần lượt các phim Việt Nam đã được tuyển chọn tham dự là: Mùa len trâu (2006, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Chuyện của Pao (2007, đạo diễn Ngô Quang Hải), Áo lụa Hà Đông (2008, đạo diễn Lưu Huỳnh), Đừng đốt (2010, đạo diễn Đặng Nhật Minh) và Khát vọng Thăng Long (2012, đạo diễn Lưu Trọng Ninh). Cả 4 phim “đi trước” đều không lọt vào vòng đề cử (được xem như vòng chung kết). Duy nhất cho tới nay có một bộ phim nói tiếng Việt được đề cử giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1994 là Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. |
Thiền Đăng
(Theo TT&VH)