Là cán bộ công tác tại Phòng văn hóa - thông tin huyện Trà Bồng, anh Hồ Văn Biên, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi hiểu rõ nét văn hóa truyền thống tự bao đời của người Cor dân tộc mình. Lớp trẻ người Cor bây giờ được tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa hiện đại, nét văn hóa truyền thống dần dần mất theo lớp người lớn tuổi. Cồng chiêng một loại hình văn hóa phi vật thể xuyên suốt bao thế hệ, luôn có mặt trong mọi sinh hoạt của đời sống người Cor nhưng đang bị mai một dần.
Liên hoan cồng chiêng tỉnh Quảng Ngãi
Thấy được qui luật tất yếu ấy, Phòng văn hóa thông tin huyện Trà Bồng đã triển khai dự án bảo tồn văn hóa... và anh Biên là người được chọn để đến từng thôn, xóm dạy cồng chiêng cho lớp thanh niên người Cor ở địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ biết và giữ lấy cái nét, cái hồn của văn hóa dân tộc mình.
Theo chân anh Biên, chúng tôi đến một buổi sinh hoạt cộng đồng của người dân xã Trà Sơn, huyện miền núi Trà Bồng. Lúc này, các bạn trẻ đang tập những tiết mục mừng năm mới, nam đánh chiêng, nữ múa điệu Cà – đáo. Giờ đây không chỉ có những người già mà còn có lớp người trẻ, thế hệ con cháu của dân làng cũng tham gia đánh cồng chiêng, điều mà ít có ở địa phương khác, bởi tính kế thừa hiện nay đang bị mất dần. Đó chính là những người học trò đang được anh Biên chỉ dạy.
Ông Hồ Văn Lắm, xã Trà Sơn cho biết: Ngày trước chỉ có tui và một số già làng biết đánh cồng chiêng, nhưng gần đây được sự giúp đỡ của cán bộ Biên thì hàng chục thanh thiếu niên trong làng đã biết đánh cồng chiêng. Thậm chí nhiều cháu còn đánh rất hay. Tui rất vui mừng vì có thêm nhiều người biết gìn giữ nét văn hóa của đồng bào mình.
Để cho lớp trẻ của dân làng biết đánh được cồng chiêng như thế, sau mỗi giờ làm việc tại cơ quan, anh Biên lại vác đôi chiêng quen thuộc của mình trên vai lặn lội đến từng thôn, bản gõ cửa từng nhà, nói chuyện, động viên lớp trẻ trong làng để họ thấy được cái hay, cái hồn của văn hóa dân tộc mình rồi theo học. Sau gần 2 năm, đến nay từng đường làng, ngõ xóm ở nhiều thôn, nhiều xã của huyện Trà Bồng đã quen thuộc với bước chân của anh Biên. “Những ngày đầu đi vận động các cháu theo học cũng khó khăn lắm, vì thế hệ trẻ hiện nay chỉ thích những trò chơi mới lạ. Hơn nữa các cháu lại bận nhiều việc nên không ai muốn theo học. Nhưng mình đã đến nhờ các già làng để các già nói thêm với bố mẹ các cháu. Và mình cũng phải sắp xếp thời gian vào ban đêm để đến dạy thì các cháu mới có thể theo học. Vì đây là văn hóa của đồng bào mình nên các cháu cũng tiếp thu nhanh và chăm chỉ tập” - anh Biên tâm sự.
Từ chỗ chỉ có 1 lớp học, nay đã có đến 20 lớp, ở 7 xã của huyện miền núi Trà Bồng mà chủ yếu là những thanh niên trai trẻ người Cor. Điều mà anh Biên mong muốn là làm sao để giúp thanh thiếu niên dân tộc mình có thêm nhiều cơ hội luyện tập, trau dồi, nâng cao các kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, trở thành những “hạt nhân”, nối tiếp các thế hệ đi trước trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở địa phương . Anh chỉ muốn lớp trẻ người Cor mình có thêm niềm đam mê, hứng thú với cồng chiêng, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Em Hồ Văn Linh, xã Trà Sơn chia sẻ: “Em là một trong những bạn đầu tiên trong xã tham gia lớp học đánh cồng chiêng của thầy Biên. Ngày đầu em cũng không muốn theo học, nhưng thầy Biên và bố mẹ vận động nên vào buổi tối em đến nhà văn hóa của xã để tập đánh cồng chiêng. Sau khi học được một thời gian, thấy rất hay nên em đã rủ thêm nhiều bạn cùng học”.
Muốn có tiếng chiêng hay, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng đặc sắc , thì anh phải "nghe" được tiếng chiêng mà chỉnh sửa, tự mình học hỏi những phương pháp mới, những cách chơi sáng tạo và sáng tác những làng điệu chiêng mới . Theo đó, anh còn là người "gác cổng", chọn lọc những nét văn hóa tinh túy mới, hiện đại để hài hòa với cách chơi truyền thống của dân tộc mình, truyền lửa đam mê cho thế hệ sau. Anh Biên cho biết thêm: Bên cạnh những kinh nghiệm vốn có của bản thân cũng phải học thêm từ các già làng thì mới có kiến thức để truyền dạy cho các cháu. Thêm vào đó, mỗi lúc đi giao lưu với các tỉnh bạn, mình cũng có cơ hội để tìm hiểu thêm nhiều nét mới của loại hình văn hóa này.
Đối với người Cor ở huyện miền núi Trà Bồng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Trong mọi sinh hoạt của đời sống, lễ, hội của người Cor đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Thế nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội khoảng cách giữa vùng miền ngày càng rút ngắn. Đó là một trong những nguy cơ làm thất truyền nghệ thuật đánh cồng chiêng trong thế hệ trẻ. Và anh Biên sẽ là người giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ sau nét văn hóa cồng chiêng của dân tộc Cor ở huyện miền núi Trà Bồng - Quảng Ngãi.
Đinh Thị Hương