Không chỉ tôn vinh những giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm, Ninh Thuận với chủ đề “Văn hóa Chăm - Bảo tồn, phát huy và hội nhập” còn là cơ hội để văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam tỏa sáng. Rất nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong những ngày lễ hội (từ 14 - 17/10/2012).
Văn hóa Chăm tỏa sáng
Trưng bày, triển lãm là một trong những hoạt động đặc sắc của Những ngày văn hoá Chăm. Cuộc triển lãm ảnh và tư liệu với chủ đề “Đặc sắc văn hóa vùng đồng bào Chăm” do Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng thư viện 6 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, khai mạc ngày 13/10, đã thu hút được đông đảo công chúng tham gia. Triển lãm trưng bày gần 500 hình ảnh, tư liệu, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt thường ngày của cộng đồng người Chăm từ xưa đến nay như: Những phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc; những giá trị âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc; những nghề thủ công mỹ nghệ...
Lễ hội Katê được tái hiện trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm. |
Cũng ngày 13/10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với thư viện các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức “Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách”. Các cuốn sách tham gia liên hoan đã đưa tới cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về những phong tục, tập quán văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm ở mỗi địa phương; cũng như giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Chăm tiêu biểu như: “Một số tập tục người Chăm An Giang” của tác giả Lâm Tâm, tác phẩm “Văn học Chăm” của tác giả Inrasara, “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr ở Ninh Thuận” của tác giả Phan Quốc Anh... Cũng có rất nhiều cuốn sách ngợi ca những đóng góp của đồng bào dân tộc Chăm trong quá trình dựng nước và giữ nước... Kết thúc liên hoan, Ban giám khảo đã trao giải nhất cho thư viện 4 tỉnh, thành gồm: Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Giải nhì được trao cho thư viện tỉnh Phú Yên và Bình Thuận...
Đặc biệt, sáng 14/10, tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Ninh Thuận tổ chức triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc Việt Nam". Triển lãm trưng bày bộ sưu tập ảnh các lễ nghi của người Chăm Ninh Thuận, cùng hơn 500 tài liệu, hiện vật các vùng văn hóa trong cả nước: Văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ, văn hóa vùng thung lũng, văn hóa vùng núi cao phía Bắc, văn hóa vùng duyên hải miền Trung, văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên, văn hóa đồng bằng Nam bộ... nhằm giới thiệu đến người xem về một số đặc trưng của các tộc người sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, qua đó giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các tộc người trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.
Rộn ràng các lễ hội
Không chỉ là “nơi hội tụ” của sách, ảnh; rất nhiều những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm đã được giới thiệu trong chương trình. Sáng 14/10, lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm đã được tổ chức tại các đền tháp Chăm tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Trong lễ hội này, đồng bào Chăm xã Phước Hữu đã tổ chức lễ đón rước y trang từ người Raglai tại đền Pô Nưgar. Đây là một nghi thức đầu tiên trong lễ hội Katê, thể hiện sự giao lưu gắn bó giữa các dân tộc anh em. Trong lễ hội Katê của đồng bào Chăm, người Raglai cũng tham gia với rất nhiều điệu múa đặc sắc để dâng lên thánh thần. Theo truyền thuyết, người Raglai là em út của người Chăm có nhiệm vụ giữ gìn y trang để mỗi năm trao lại cho người Chăm, và hàng năm vào dịp lễ hội, người Chăm đón rước y trang về đền Pô Nưgar và đúng ngày 1/7 theo lịch Chăm, sẽ tổ chức rước y phục tới tháp Pô klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh và tháp Pô Rôme trên đồi Bôn acho, xã Phước Hữu để thực hiện nghi thức tắm và mặc y trang cho vua...
Cũng trong sáng 14/10, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Thuận đã khai mạc Hội chợ văn hóa - ẩm thực của người Chăm với việc tổ chức trưng bày các loại trang phục truyền thống như khăn, áo, váy, các nhạc cụ của đồng bào dân tộc Chăm để giới thiệu tới du khách và một không gian riêng để trưng bày các món ăn truyền thống của đồng bào Chăm ở nhiều vùng khác nhau. Đồng bào Chăm An Giang mang tới hội chợ các món bánh truyền thống rất nổi tiếng và hấp dẫn như: bánh Paicarah, bánh Hapangư (bánh rừng), bánh tổ mối, tổ chim... Đồng bào Chăm Phú Yên thì lại mang tới nhiều món ăn lạ như: thịt bò 1 nắng, thịt bò nướng ống tre... Đây là những món ăn phát triển từ những món truyền thống của người chăm.
Các hoạt động thể thao cũng được tổ chức từ ngày 14/10 tại Sân vận động tỉnh Ninh Thuận và tại 2 làng nghề truyền thống Mỹ Nghiệp và làng nghề Bàu Trúc. Ngoài bóng đá, bóng chuyền dành cho nam, hội thao còn tổ chức các trò chơi dân gian của dân tộc Chăm dành riêng cho nữ như: thi đội bình nước Chăm, thi dệt thổ cẩm Chăm, thi nặn gốm. Các trò chơi dân gian đã mang đến sắc thái đậm nét cho Ngày hội Chăm năm nay.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên