Ngày 16/4, BTC giải Cuộc thi Thiết kế Quốc tế A’Design Awards & Competition có trụ sở tại thành phố Como, thuộc miền Bắc Italy đã công bố danh sách những người thắng cuộc tại cuộc thi thiết kế quốc tế 2017.
Hoạ sĩ Thu Thuỷ thực hiện công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương Công viên Thống Nhất. |
Đây là cuộc thi Thiết kế quốc tế thường niên lớn nhất thế giới. Từ hàng nghìn tác phẩm gửi dự thi trên thế giới, BTC đã chọn ra 1.974 tác phẩm thiết kế đạt tiêu chuẩn của cuộc thi, thuộc 97 lĩnh vực thiết kế, đến từ 96 nước.
Các tác phẩm dự thi được chọn lọc và đánh giá nghiêm túc bởi một BGK uy tín thế giới – gồm các thành viên của Viện Hàn lâm Thiết kế quốc tế (hơn 200 thành viên). Họ là các chuyên gia thiết kế sáng tạo, các học giả, các nhà báo nổi tiếng trong chuyên ngành thiết kế và các doanh nhân giàu kinh nghiệm trong việc ứng dụng thiết kế vào sản xuất. Họ có cái nhìn sắc sảo và chuyên nghiệp đến từng chi tiết nhỏ trong mỗi tác phẩm thiết kế.
Công trình được đánh giá cao vì đã giúp hồi sinh Nhà Gương. |
Mỗi lĩnh vực thiết kế đều có tiêu chuẩn đánh giá riêng bởi các chuyên gia chuyên ngành. Cuộc thi trải rộng trên 110 lĩnh vực thiết kế, gần như bao quát tất cả các ngành thiết kế trên thế giới từ thiết kế đồ gỗ, nội thất, kiến trúc, thiết bị điện tử, bao bì, thiết kế đồ họa, đồ trang sức, giao diện website, phim ảnh, phương tiện vận chuyển, máy bay, du thuyển...
Những hình ảnh tuyệt đẹp của Nhà Gương sau khi gắn gốm. |
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy với tác phẩm gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương trong công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã giành Cúp Bạc (Silver Trophy) của cuộc thi thiết kế quốc tế A’Design Awards & Competition với số điểm 89/100 thuộc lĩnh vực Nghệ thuật công cộng thiết kế cho Xã hội và Môi trường.
Họa sỹ Thu Thủy sẽ đến Italy dự lễ trao giải thưởng tại thành phố Como vào cuối tháng 6 tới. Những hình ảnh đẹp của Công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế MOOD tại thành phố Como và được in trang trọng trong cuốn sách Giải thưởng Thiết kế Quốc tế A’Design Awards 2016-2017 được phát hành bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2017, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng các cộng sự công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương trong Công viên Thống Nhất, làm hồi sinh và khoác lên công trình tấm áo gốm rực rỡ mang tính nghệ thuật trang trí cao.
Nhà Gương hay còn được gọi Nhà Cười, được Chính phủ Tiệp Khắc (cũ) xây tặng thành phố Hà Nội từ năm 1979, công trình gắn với tuổi thơ của hầu hết thế hệ 6x,7x và 8x ở Thủ đô sau chiến tranh. Sau gần 40 năm nhà Gương bị xuống cấp trầm trọng với những bức tường ẩm mốc, mái dột nát và gươg mờ xỉn, nay đã được họa sỹ Thu Thủy và các cộng sự thay một lớp áo mới tươi tắn và hiện đại.
Bức tranh gốm phủ kín mặt tiền Nhà Gương diễn tả cảnh biển thanh bình của biển Hạ Long êm đềm với trung tâm là hòn Trống Mái nổi bật trên sắc vàng lấp lánh của mặt trăng. Bức tranh gốm Sóng biển Trường Sa ở bức tường cánh phải được thể hiện mạnh mẽ khỏe khoắn với những vồng sóng tung bọt trắng xóa.
Nhà Gương được BGK cuộc thi thiết kế Quốc tế A’Design Awards & Competition đánh giá cao bởi tính hoành tráng của hai bức tranh gốm phủ bên ngoài Nhà Gương cùng chủ đề lựa chọn mang đậm tính dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước Việt Nam.
Đặc biệt bức tranh gốm Sóng Trường Sa mang vẻ đẹp độc đáo, sáng tạo trong cách thể hiện, tạo ấn tượng thị giác mạnh. Bức tranh mang đậm chất hội họa ở những nét tạo hình nhiều sắc độ từ xanh coban đậm, xanh ngọc, xanh lục chuyển dần từ đậm đến nhạt, vùng sáng được diễn tả bằng xanh thanh thiên và vàng đậm nhạt. Một bảng màu gốm phong phú diễn tả những nét vẽ phóng khoáng thể hiện đúng tinh thần mạnh mẽ, dữ dội của vồng sóng Trường Sa cao đến 7m.
BGK cũng đánh giá cao về tính độc đáo của nội thất bên trong Nhà Gương. Những bức tường và sàn bên trong Nhà Gương được họa sĩ Thu Thủy và Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội tỉ mỉ gắn những viên gốm và sỏi gốm màu đủ các sắc độ tạo nên một một không gian dưới đáy đại dương lộng lẫy với đủ san hô, sò, ốc, sao biển, hải quỳ và các loài cá.
Đặc biệt, bên trong mê cung gương này, bên cạnh 50 tấm gương được thay mới sáng loáng, dưới sàn là những vòng tròn nước với san hô, cá, ốc, sò gốm, sỏi gốm được những tấm gương phản chiếu vào nhau nhân lên như ống kính vạn hoa, tạo thành một mê cung vô cực lung linh huyền ảo.
Ngôn ngữ biểu cảm vô cùng phong phú của gốm được thể hiện rất phong phú ở nhiều kỹ thuật thể hiện khác nhau trong công trình gắn gốm đặc sắc này.
Tổng diện tích gốm được gắn lên tường bên ngoài, bên trong và sàn nhà gương lên đến 812m², trong đó mỗi mét vuông gốm gồm 2500 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 2cm x 2cm. Tổng cộng có hơn hai triệu viên gốm nhỏ với đủ tone màu rực rỡ được gắn lên Nhà Gương.