Đến thời điểm nào đó, nhìn lại những năm tháng đã qua, mỗi cá nhân sẽ cảm nhận được cuộc đời thật sự là một con đường. Trên con đường đó, từ khi bé thơ sống trong vòng tay mẹ và quê hương, tới những vùng đất mới, những công việc, mối quan hệ mới…, từng con người, từng cảnh sắc, từng không gian được gặp, đều lưu lại những dấu ấn khó phai mờ. “Trên đường gió thoảng” chính là hành trình đó.
Tập thơ gồm khoảng 200 bài, khá dày dặn, gói trọn cuộc đời của tác giả: Đi và đến; Nhặt sỏi đường xa; Những mùa trăng đi qua; Lời của gió; Gửi thương gửi nhớ; Thể nghiệm; Tình bạn tuổi học trò; Bè bạn sẻ chia…Trên hành trình cuộc đời ấy, người đọc được gặp lại chú bé mồ côi cha, sống cùng mẹ nơi vùng cao “trập trùng núi biếc giăng tay”, “bốn bề sương muối gió lùa” trong những câu thơ như tiếng khóc nghẹn: "Gió gào/oan khuất/ Bếp tắt/lửa tàn…Một nách hai đứa con thơ/...không tiền không gạo..." (Mẹ tôi). Theo năm tháng, người đọc được cùng tác giả làm một nhà địa chất trên hành trình tới các miền đất nước và như một du khách tới các vùng đất xa xôi trên thế giới, với chiêm nghiệm từ nghề nghiệp tới cuộc đời: "Biết bao khối trầm tích/Sàng lọc được li ti hạt vàng... Đi giữa biển đời mênh mang/Biết bao người dưng ta gặp… Thời gian không gian sàng sẩy/ những gì ký ức còn lại/ Hạt kết tinh quý hơn vàng…".
Sự cần mẫn của một nhà địa chất, nhà khoa học kết hợp với tâm hồn văn chương tinh tế, đã cùng tác giả lắng được những khoảng lặng trong cuộc sống. Đây là “tiếng ếch à uôm” khi “giấc ngủ chìm vào mưa xào xạc” nơi phố thị; là "tiếng hót như lả đi" của cánh chim bé bỏng giữa những “khối bê tông đá chọc trời”; là “tiếng ve run rẩy phập phồng” đâu đó nơi bồn hoa chung cư, hay những tay mướp non mềm trên sân thượng nhà cao tầng…
Và quả thực như tác giả tự nhận: "Hành khất là tôi/suốt đời đi nhặt/ Nhặt hạt thóc rơi trên cánh đồng khô khát… nhặt hương ca dao, nhặt hồn cổ tích… nhặt từng hạt mầm kiến thức… nhặt khôn từng chút chắt chiu" (Suốt đời đi nhặt). Sự chăm chỉ "nhặt nhạnh" hòa cùng những chiêm nghiệm sâu sắc đã khiến cho những nhành hoa nhỏ, những tiếng cười trẻ thơ, những rung động nhẹ nhàng trước ánh mắt long lanh … trở thành những cơn gió thoảng đầy thi vị trên hành trình cuộc đời của tác giả. Ngay cả chỉ nghe được một bên tai, nhìn một bên mắt, khi nằm trên giường bệnh nhìn từng giọt nước truyền, khi gặp cơn cúm mùa, "cơn gió thoảng" cũng tươi mát với tính tự trào: “Bước trên đường trông như ngơ ngác/gác ngoài tai mọi nỗi ưu phiền” (Nghễnh ngãng 2); “Ta nghe trong tiềm thức vọng về… Nghe đâu đó tiếng hờn oan, tiếng thì thầm cỏ non ngoi lên từ đất/Ta nghe bằng con tim trong lồng ngực…” (Khi ta điếc); “Nhìn một mắt/thấy những gì được thấy/Con mắt kia/nhắm lại để thấy những gì mắt không nhìn thấy… Nhắm một mắt/thấy mặt nạ rơi xuống hiện hình…" (Nhìn một mắt).
Tác giả Nguyễn Như Mai từng rất thân thiết với bạn đọc qua 40 đầu sách có giá trị khoa học, lịch sử, ngôn ngữ, giáo dục…., trong đó nhiều tác phẩm đoạt giải Sách hay toàn quốc. Ông cũng là cố vấn đắc lực của các chương trình truyền hình uy tín như Đường lên đỉnh Olympia, Vì bạn xứng đáng, Ai là triệu phú, Vượt qua thử thách, Nhà thông thái, Hiểu biết chung, Hộp đen... Là “bà đỡ văn chương” ở tờ báo Hoa Học trò, ông đã chắt chiu sàng lọc, khuyến khích, nâng niu và bồi dưỡng cho nhiều cây viết đương đại. Sự uyên bác, lòng nhân hậu và tinh thần lạc quan, tự trào của ông như ngọn lửa tích cực, truyền từ cuộc đời tới những trang tác phẩm, để “ngọn gió” trên đường dài cuộc đời không hề “thoảng”, mà rất sâu nặng ấm áp trong lòng người đọc.