Sân khấu không “ngủ quên”
Vượt khó trong điều kiện dịch bệnh là diễn biến chung của các đơn vị văn hóa trên toàn quốc. Cùng với việc tổ chức duy trì tập luyện chương trình, vở diễn trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều đơn vị tìm hướng phổ biến các chương trình lên không gian mạng, duy trì sức hút với khán giả yêu thích sân khấu.
Trong những ngày dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn chia ê kíp để tập luyện. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Có rất nhiều chương trình nghệ thuật sáng tạo có chất lượng, hấp dẫn nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà chưa thể quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách xã hội, chúng tôi vẫn bám vào chức năng nhiệm vụ của nhà hát, gìn giữ phát triển nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn mới. Chúng tôi phải cập nhật và hoạt động sao cho hiệu quả nhất”.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay, nhà hát đã hoàn thành công tác hậu kỳ quay 3 chương trình trên nền tảng Youtube và chuẩn bị phát sóng.
“Chúng tôi xác định những ngày đầu năm mới 2022, công tác biểu diễn của Nhà hát tại các lễ hội như những năm trước đây gần như không thực hiện được, Bởi vậy, nhà hát tham gia những hoạt động biểu diễn quy mô nhỏ. Không biểu diễn trực tiếp với khán giả nên chắc chắn phải dùng nền tảng online tạo ra các hoạt động cho đơn vị. Bên cạnh đó, Nhà hát triển khai tập lại chương trình phục vụ du lịch để biểu diễn tại rạp Hồng Hà”- ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết.
NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cũng cho biết: “Có rất nhiều cuộc thi hát chèo thu hút đông thí sinh tham gia, đó là mô hình hay trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng tôi đã làm chương trình online, cuộc thi phát động trong toàn quốc, có nhiều bạn nước ngoài tham gia, có hội đồng giám khảo để chấm thi. Điều này đã quảng bá được nghệ thuật chèo, khuyến khích nhiều câu lạc bộ chèo trong toàn quốc và nước ngoài tham gia, nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo được phổ cập rất nhiều”.
Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng đẩy mạnh các chương trình livestream giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ trẻ, giới thiệu được các làn điệu hát chèo với tên gọi “Giữ lửa đam mê” hay chương trình “Chiếu chèo Xuân” trong dịp Tết Nhâm Dần. NSND Thanh Ngoan cho biết thêm, các chương trình kể trên thu hút hàng chục nghìn lượt người xem. Có thể thấy, trong dịch bệnh, khán giả vẫn mong muốn được thưởng thức nghệ thuật chèo.
“Thắp lửa tinh thần” sẵn sàng đón ngày “bùng nổ”
Cùng với mong muốn nâng cao chất lượng, thay đổi để mang đến những “món ăn tinh thần” mới lạ là cách các nghệ sĩ sẵn sàng cho giai đoạn thích ứng an toàn trong đại dịch.
Cụ thể, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam kết hợp ra mắt sản phẩm thứ 2 mang yếu tố nghệ thuật của cả hai loại hình. Chương trình nghệ thuật “Thượng thiên Thánh Mẫu” được ra mắt mùng 6 Tết vừa qua đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả bởi sự chăm chút kỹ lưỡng, đầu tư lớn về chất lượng của nghệ thuật cải lương và xiếc.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi kêu gọi xin tài trợ test nhanh và đã đảm bảo test cho khán giả xem chương trình trong 3 đêm từ ngày 6 Tết. Mỗi đêm diễn chúng tôi chỉ nhận lượng khán giả khiêm tốn từ 200 - 300 người, trong khi quy mô rạp xiếc là 1.200 chỗ ngồi. Đó là nỗ lực của hai nhà hát để diễn viên được trở lại sân khấu, tương tác với khán giả và giữ lửa đam mê nghề. Trong hai năm qua, diễn viên xiếc bị mai một rất nhiều. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phải vật lộn, chúng tôi là những người quản lý nhưng cũng đã phải chấp nhận diễn viên rời bỏ nghề. Hiện tại, chúng tôi phải duy trì nghề với trạng thái mới, thực hiện thành công các chương trình với mục tiêu đầu tiên là giữ lửa cho nghệ sĩ”.
Tương tự, NSND Thanh Ngoan cho biết, nếu không “thắp lửa” thì nghệ thuật truyền thống sẽ mai một và mất đi. Với nghệ thuật chèo nếu không “văn ôn võ luyện” diễn viên sẽ hụt hơi, khó khăn khi diễn lại.
“Phải nhanh chóng nhập cuộc. Trong năm 2022, chúng tôi vẫn quán triệt phương châm biểu diễn theo nhóm nhỏ, biểu diễn ở đơn vị hay địa phương theo hình thức 10 - 20 người. Chia nhỏ, làm chương trình ngắn, kể cả diễn online vừa để truyền lửa cho nghệ sĩ, vừa nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật đối với khán giả” - NSND Thanh Ngoan cho biết.
Từ cuối tháng 2, Nhà hát Kịch Hà Nội đón khán giả bằng 2 vở kịch “Làng song sinh”, “Kiều - một kiếp đoạn trường” và chuỗi chương trình hài kịch. Từ 4 - 8/3, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ mang tới vở hài kịch “Nghêu, sò, ốc, hến” phiên bản mới. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ trình diễn vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” vào các ngày 7 và 8/3. Từ 18 - 19/3, Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ thơ Xuân Quỳnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tiếp theo là các vở diễn: “Cái ao làng”, “Ông không phải bố tôi”, “Trại hoa vàng”...