Bài cuối: Học cách làm sân khấu chuyên nghiệp cho giới trẻ
Hợp tác cùng làm kịch cho giới trẻ
Từ ngày 27/4-1/5, theo lịch hoạt động, chúng tôi được mời xuống tham quan và làm việc chuẩn bị cho dự án hợp tác giữa NHTT và Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden, vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Chúng tôi được các đồng nghiệp ở đây đón tiếp niềm nở, rất thân mật như người trong gia đình.
Trước một buổi trình diễn tại Đức |
Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden là nhà hát rất nổi tiếng, dành cho khán giả trẻ ở Dresden. Nhà hát đã có bề dày hoạt động hơn 60 năm, từ năm 1949 đến nay, trải qua nhiều thế hệ nghê sĩ khác nhau. Hệ thống sân khấu của Nhà hát gồm 2 sân khấu biểu diễn, với khán phòng hết sức khiêm tốn. Một sân khấu lớn khoảng 300 chỗ và một sân khấu nhỏ 150 chỗ. Họ có hai đoàn nghệ thuật nằm trong Nhà hát: Một đoàn chuyên diễn kịch rối dành cho trẻ em từ 3-7 tuổi; một đoàn chuyên diễn những vở kịch dành cho khán giả trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, 8 tuổi đến 15-16 và lớn hơn; việc chia độ tuổi biểu diễn được thực hiện rất rõ ràng.
Tác giả Trương Nhuận tại khán phòng của vở diễn "Chú mèo đi hia" |
Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của Nhà hát thể hiện rất cao. Nhà hát có 3 phân xưởng, chuyên sản xuất đạo cụ cho các vở diễn; gồm một kho chứa đạo cụ của các vở diễn, lưu giữ đạo cụ của khoảng 20-25 vở diễn một cách rất chỉn chu, kỹ càng; một xưởng chuyên làm các trang trí sân khấu một cách chi tiết, cả những vở kịch lịch sử, dã sử, các vở tính chất pha trộn công nghệ cao…, một xưởng chuyên may phục trang cho tất cả các vở diễn. 3 xưởng này có người quản lý riêng và làm việc rất bài bản.
Đặc biệt, mỗi vở diễn, chương trình của Nhà hát được lên kế hoạch trước 1- 2 năm, ví như dự án với NHTT là được trao đổi từ tháng 10 năm ngoái. Khi đó, vở “Vòng phấn Kavkaz” được công diễn và bà giám đốc nghệ thuật Nhà hát đã được mời sang xem. Sau khi xem, bà giám đốc đã rất hài lòng với diễn xuất của các đồng nghiệp Việt Nam và tin rằng có thể hợp tác triển khai dự án năm 2015; khi đó Viện Goethe mới quyết định tài trợ và xây dựng dự án này.
Giám đốc Trương Nhuận và họa sĩ Doãn Bằng tại xưởng làm phụ trang của Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden |
Về dự án dàn dựng vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, vở diễn sẽ do đạo diễn Dominik Guenther, đạo diễn người Đức đã rất thành công với vở “Vòng phấn Kavkaz” năm ngoái cùng NHTT, tiếp tục làm đạo diễn. Còn họa sĩ Doãn Bằng sẽ là họa sĩ sân khấu chính cho cả sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và sân khấu Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden. Hai nhà hát sẽ có chung market sân khấu, mẫu trang phục sân khấu và có sự giao lưu biểu diễn của các nghệ sĩ. Vào dịp tháng 11 này, một số nghệ sĩ ở Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden và đạo diễn Dominik Guenther sẽ sang Nhà hát Tuổi trẻ cùng dàn dựng và biểu diễn. Vở diễn dự kiến sẽ công diễn cuối tháng 11 tại NHTT và tháng 4/2016, sẽ mang sang trình diễn tại nhà hát cá thế hệ trẻ. Lúc đó, các nghệ sĩ NHTT sẽ lại lên đường sang Đức.
Tham quan công trình đang xây dựng rạp hát hiện đại dành cho giới trẻ tại Dresden |
Cũng xin bật mí thêm một điểm đặc biệt của vở diễn, đó là sẽ có thêm yếu tố tương tác hiện đại. Chúng tôi sẽ thực hiện một video clip phỏng vấn 10 trẻ em Việt Nam và 10 trẻ em ở Đức, với những câu hỏi chung về ước mơ, sinh hoạt đời thường, yêu ghét, tình cảm gia đình với bố mẹ, tình cảm với bạn bè, thú vui…Video clip sẽ chiếu trong vở diễn, nhằm tạo thêm tính tương tác cho vở diễn. Ví dụ trẻ em VN nói tiếng Việt có phụ đề tiếng Đức, trẻ em Đức nói tiếng Đức có phụ đề tiếng Việt; để trẻ em cả hai nước khi xem đều có thể hiểu được nhau, hiểu được cảm xúc của nhau.
Để khán giả không thụ động
Cá nhân tôi thấy rất rõ các nghệ sĩ Đức rất có “tâm” với nghề. Họ coi hoạt động biểu diễn dành cho khán giả trẻ, thiếu nhi, không chỉ là nghề nghiệp, mà như một niềm đam mê của từng cá nhân, rất tận tụy và có trách nhiệm công dân cao trong đó. Hầu hết các nghệ sĩ biểu diễn các vở diễn, chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi đều không có thu nhập cao, không phải người sang trọng, giàu có… nhưng họ làm việc hết mình, có những nghệ sĩ rất cao tuổi, tóc bạc phơ vẫn biểu diễn với tinh thần trách nhiệm rất cao và sự đam mê với nghề nghiệp. Họ tham gia biểu diễn với tất cả niềm vui và khi nghe tiếng cười của trẻ con trong rạp, khi thấy sự say mê của trẻ con trong rạp, có thể nhìn thấy trong ánh mắt họ một niềm cảm hứng rất rõ rệt.
Giao lưu với cộng đồng Việt Nam tại Dresden. |
Có một điều khác hơn so với sân khấu tại Việt Nam, là hệ thống sân khấu ở Đức dành cho khán giả nhỏ tuổi đều ở quy mô vừa phải, từ 100-150 chỗ, nhiều nhất 250 chỗ, để làm sao trong các vở diễn, các nghệ sĩ đều có thể giao lưu, chia sẻ và cảm nhận được phản ứng từ mỗi khán giả cho vai diễn của mình. Từ những cái nheo mắt, từ những nụ cười, ánh mắt của họ… đều được chia sẻ tới từng khán giả cụ thể trong khán phòng. Còn ở Việt Nam, đôi khi vì lý do kinh doanh và vì nhiều lý do khác, chúng ta chọn diễn ở những hội trường từ 500-1.000 khán giả như Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nên rất khó có cơ hội trực tiếp đến được từng khán giả.
Về tính tương tác và chia sẻ giữa người diễn và khán giả, phải nói là sân khấu Đức nói chung và Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden nói riêng; đã làm rất tốt. Ở Đức, khán giả trẻ không thưởng thức thụ động, mà có khi được kéo lên sân khấu để cùng diễn, được trả lời các câu hỏi, được phỏng vấn, được dẫn dụ vào các tình huống trên sân khấu để được bày tỏ quan điểm, thái độ, cảm nhận của mình. Ngay như với vở kịch rối “Chú mèo đi hia” dành cho lứa tuỏi lớp 1 của Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden; các diễn viên diễn con rối cũng khác ở VN, không để cho trẻ em thụ động xem vở rối trong một cái khuôn, khung; mà diễn viên thể hiện con rối bằng giọng nói của mình, bằng cách diễn tả tay chân của mình, đúng theo phong cách của kịch Đức là mang tính giãn cách trên sân khâu, khiến trẻ con nhận thấy rõ chúng đang xem kịch và diễn viên diễn con rối, chứ không phải là thật. Làm trẻ con rất tỉnh táo, rất biết những gì trên sân khấu đang diễn. Đặc biệt, sự tương tác, chia sẻ khiến khán phòng luôn sôi nổi, luôn có tiếng đối đáp của khán giả, chứ không phải chỉ thụ động ngồi xem.
Điều đáng nói, tính sinh động, tương tác, chia sẻ của sân khấu Đức dành cho trẻ em, đã góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em trước những câu hỏi, vấn đề, tình huống được đặt ra… Ví như các em được hỏi: “Theo em nên xử lý nhân vật ác này như thế nào?”, khi đó các em sẽ được thể hiện chính kiến của mình. Rõ ràng sự chia sẻ, bày tỏ, kích thích sự tự tin của các em tham gia vào tình huống trên sân khấu.
Ngoài vở kịch rối, tại Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden, chúng tôi cũng được xem một vở kịch dạng hình thể, mang tính thể nghiệm, nói về cuộc đời của một danh họa nổi tiếng ở Dresden hai thế kỷ trước, thuộc trường phái lãng mạn, danh họa Caspar David Friedrich. Vở kịch được thể hiện bằng hình thức sân khấu thể nghiệm, không có lời thoại nào, cả vở kịch là một cuốn phim chậm về cuộc đời của ông. Trước khi xem vở diễn, chúng tôi cũng được Nhà hát mời đi tham quan Viện bảo tàng của thành phố, trong đó có phần trưng bày triển lãm cuộc đời và tác phẩm của danh họa, các tranh được lưu giữ kỹ càng; giúp khán giả trẻ hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau.
Vở kịch thể nghiệm được diễn trong 1 tiếng đồng hồ, sử dụng công nghệ IT hiện đại, những bức tranh đẹp của danh họa được dựng lại trên sân khấu bằng đồ họa, vi tính. Các nghệ sĩ đã dùng cả màn hình, nghệ thuật ánh sáng, khói, góc độ để tạo ra không gian sân khấu theo kiểu Romantic thế kỷ 19 rất riêng biệt, đặc biệt hay. Khán giả ngồi xem chăm chú, kết thúc vở diễn, diễn viên ra chào 6-7 lần, khán giả vẫn đứng lên vỗ tay, chưa chịu về. Có thể nói, họ đã có được một thế hệ khán giả cho riêng mình, có trình độ thưởng thức rất cao.
Thành phố Dresden cũng rất tạo điều kiện cho Nhà hát các thế hệ trẻ Dresden hoạt động, hiện thành phố đang xây dựng khu sân khấu liên hợp gồm 3 rạp hát hiện đại: Rạp hát múa rối, rạp hát biểu diễn kịch nói, 1 rạp hát biểu diễn ca múa nhạc ở tại trung tâm thành phố; dành riêng cho khán giả trẻ. |
Thêm một lý do nữa để thấy vì sao họ tạo dựng lớp khán giả riêng là Nhà hát có 1 CLB giáo dục sân khấu, họ có những đạo diễn, diễn viên, thành lập CLB đến tận các trường dạy cho trẻ em, vận động học sinh đến với Nhà hát để tham gia các giờ ngoại khóa. Cũng phải mất 7- 8 năm trở lại đây, mất nhiều tâm huyết, công sức, giờ đây mới hình thành được lớp khán giả trẻ có hiểu biết, cảm thụ về mặt sân khấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là điều Việt Nam sẽ phải học.
Trương Nhuận
(PV ghi)