Những đôi mắt xoe tròn ngạc nhiên của các em nhỏ khi chứng kiến những chú rồng uốn lượn trên mặt nước, thỉnh thoảng lại phụt ra những tia nước lên phía khán đài. Những tiếng trầm trồ khi thấy con rối hình tượng ông già câu cá từ trên thuyền lao xuống nước bơi lội vùng vẫy. Và rồi cuối cùng là những tràng vỗ tay thán phục không ngớt của hàng trăm khán giả ngồi chật kín khán đài sau mỗi tiết mục. Đó là những hình ảnh tại rạp xiếc Carpa Trompoloco ở thủ đô La Habana trong 3 ngày công diễn của Đoàn nghệ thuật rối nước Thăng Long (Hà Nội).
Bộ trưởng Đại học Cuba Rodolfo Alarcon tặng hoa chúc mừng các nghệ sỹ. |
Từng được giới thiệu ở hơn 40 nước trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên rối nước Việt Nam đến với khán giả Cuba anh em. Cũng chính vì vậy mà sức hút của loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo này của nước ta đối với người dân Hòn đảo Tự do càng được nhân lên.
Từ cách đây hai tuần, khi thông tin về chuyến công diễn của đoàn rối nước Việt Nam được các phương tiện thông tin đại chúng Cuba đăng tải, nhiều người Cuba đã rất háo hức. Gặp chúng tôi trên đường và biết là người Việt Nam, ai cũng hỏi thăm về nghệ thuật độc đáo có một không hai này. Gần tới ngày công diễn, khu vực rạp xiếc Carpa Trompoloco luôn tấp nập người đứng xếp hàng mua vé. Sáu buổi diễn trong 3 ngày như dự kiến ban đầu của ban tổ chức dường như không đủ đáp ứng nhu cầu của khán giả. Và đúng với tinh thần hữu nghị anh em truyền thống giữa hai nước, đoàn rối nước Thăng Long đã quyết định tăng thêm hai suất diễn phục vụ người hâm mộ.
Các nghệ sỹ vẫy chào khán giả sau khi kết thúc đêm diễn. |
Ngay đêm diễn khai mạc, hàng trăm khán giả đã ngồi chật kín rạp xiếc. Trong khi các nghệ sỹ còn đang chuẩn bị phía sau bể bơi thì những tràng vỗ tay không ngớt, những tiếng hô “Việt Nam, Việt Nam” đã liên tục vang lên từ khía khán đài.
Phát biểu chào mừng chương trình đặc sắc này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Vũ Chí Công khẳng định, thông qua những buổi công diễn lần này, các khán giả Cuba sẽ được thưởng thức một loại hình nghệ thuật duy nhất trên thế giới của Việt Nam, đồng thời cảm nhận được qua các tiết mục rối nước ước vọng xuyên suốt lịch sử của dân tộc Việt Nam về hòa bình, tình yêu, lao động và hạnh phúc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cuba Fernando Rojas cho biết, sự có mặt của đoàn rối nước Việt Nam tại Hòn đảo Tự do là ước mơ từ lâu của người dân Cuba với mong muốn được hiểu rõ hơn về nền văn hóa hàng nghìn năm của “người anh em” ở bên kia bán cầu.
Sự kết hợp hài hòa giữa những làn điệu dân gian Việt Nam, khả năng điều khiển con rối tài tình của các nghệ sỹ và hiệu ứng ánh sáng đã góp phần “thổi hồn” vào những con rối, khiến cho các tiết mục trở nên sống động hơn, đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Các em nhỏ vô cùng thích thú với những tiết mục vui nhộn như đánh cá, chọi trâu, múa rồng, chú Tễu... Mỗi khi kết thúc một tiết mục, khán giả ngồi chật kín rạp xiếc lại cổ vũ cho các nghệ sỹ Việt Nam bằng những tràng vỗ tay không ngớt.
Khán giả nhỏ tuổi Maritza Gonzalez hồ hởi cho biết, dù đã được xem nhiều loại hình múa rối nhưng rối nước của Việt Nam thực sự đem lại cho em những cảm xúc đặc biệt.
Trong khi đó, ông Jorge Vega, 72 tuổi, tâm sự ban đầu ông chỉ định đưa các cháu của mình đến xem nhưng khi được tận mắt chứng kiến những con rối di chuyển một cách điệu nghệ trên mặt nước thì ông thực sự ngỡ ngàng. Và điều đặc biệt cuốn hút ông, ngoài khả năng điều khiển tài tình của các nghệ sỹ, là hình tượng đậm chất văn hóa truyền thống Việt Nam của những con rối. Theo ông Vega, việc các nghệ sỹ điều khiển những con rối từ phía sau chạy ra phần bể bơi ở phía trước bằng những chiếc sào dài quả là tài tình, đặc biệt là những động tác của các con rối vẫn vô cùng uyển chuyển kết hợp với sự hài hước không thể thiếu của loại hình nghệ thuật này.
Ở nơi cách xa Tổ quốc nửa vòng trái đất, được xem những tiết mục rối nước mang hình bóng cuộc sống nông thôn quê nhà và được nghe những làn điệu dân gian quả là xúc động, nhưng có lẽ được cảm nhận những tình cảm mà người dân Cuba dành cho Việt Nam qua những buổi diễn cũng không kém phần ấn tượng. Và như lời khẳng định của Đại sứ Vũ Chí Công, chương trình giao lưu văn hóa này là một minh chứng nữa cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thắm tình anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Cuba.
Bài và ảnh: Hoài Nam(P/v TTXVN tại Cuba)