Cứ tưởng tượng thế này, chợ đêm - giống như thể những cư dân phố cổ đổ thốc những ầm ỹ, ồn ào, những bon chen, thị phi ra đường vậy.
Sau một ngày dài với nắng gió gắt gỏng, với chát chao mua bán, mặc cả, với phô phang, và giờ là lúc người dân phố cổ trở lại là mình. Khép cánh cửa lại, để yên ấm trong kia, là một không gian rất lặng lờ, rất bí hiểm và khó mà đoán định nổi...
Thôi thì hãy để những người phố cổ khép chặt cánh cửa tâm hồn họ, khép lại cả nụ cười tươi họ vẫn mang ra cho thiên hạ ngắm mải mê, khép chặt cả những cởi mở vốn là vậy mà hoá ra không phải là vậy...
Còn ta thì, hãy tận hưởng cái chợ đêm màu mè này đi...
Chợ đêm lạ. Bởi trong sự hỗn tạp, trong sự rẻ rúng (ai cũng nghĩ đi chợ đêm để mua rẻ, bán rẻ, hàng gì rẻ nhất thì mang ra chợ đêm, abcd...), hóa ra vẫn có những nét tinh tế nào đó, những ngọt ngào dịu dàng nào đó, mà không ai có thể phủ nhận, không ác cảm nào có thể xóa bỏ được...
Một cô bé ngồi sau quầy hàng thật là vắng, cái đầu nghiêng nghiêng với chiếc cặp hình thỏ màu hồng tuyền hồng hờ hững ở mái. Bên cạnh, hai người chắc ra dáng ông chủ, ngồi roi rói, chả biết vui vì điều gì khi khách chỉ lượn qua thờ ơ ghé ngó vào.
Một bà mẹ cùng cậu con trai cũng trước sạp hàng vắng teo. Mẹ hào hứng cầm ngang chiếc Iphone, chắc đang xem phim, hay là đang chat nhỉ? Nhưng trông bà già thế, chắc thú vui chat không thể là thú vui khiến mà hơn hớn. Chắc là phim hài rồi, chắc thế. Cậu con trai tay chống cằm, ngoan hơi bị lạ với cái tuổi lớn ngộc, cộng với cái mác “zai” phố cổ, rất nhẫn nại chờ như thể sẽ đến giờ thôi, giờ hết chợ, hết phải ngồi trước cái quầy hàng không dọn ra thì tiếc khách, mà dọn ra thì lãi chả bõ cái công dọn vào...
Rồi cả cô bé lo căng bạt hơn cả lo bán hàng. Khách cứ ời ời hỏi, rồi ời ời đứng chờ, rồi ời ời điện thoại... mà vẫn ung dung căng bạt chỉ vì em sợ mưa. Để rồi khách mắng chủ, chủ ỏn ẻn cười, bán được hay không cũng thế, chả sao...
Sao lại thấy thở phào, khi đi chợ đêm có thể ghé bất cứ quầy hàng nào, chọn chọn xem xem thoải mái. Cả quầy đông lẫn quầy vắng, vẫn không sợ bị mắng, bị chửi té tát, bị đốt vía đuổi đi... Dẫu có khi xem chán chê rồi, đứng chật cả gian hàng của người ta rồi, mà cũng chả mua gì sất, cả nhà lốc nhốc kéo nhau ra, lại tiếp tục hành trình.
Chợ đêm hay là thế, bán bán mua mua có cả đêm, sao phải vội, sao phải sốt ruột, sao phải cuống nữa. Nên đâu có sợ khách hết, hàng ế, nên đâu có sợ không mở hàng thì dông... Bán cả đêm mà, rồi từ đêm này sang đêm khác nữa mà. Uh, sao phải vội!
Chợ đêm giống như bản nhạc nhiều màu. Lạ thế, không phải bản nhạc nhiều nốt, cũng không phải bức tranh nhiều màu. Mà là bản nhạc nhiều màu. Bản nhạc bởi có sự ngân nga của màu sắc ở nơi đây. Chút trầm của những bộ cốc chén Bát Tràng la liệt. Chút thăng của những áo, những giày, những túi, những bao đựng điện thoại đủ màu sắc rực cả mắt người, mỗi màu như một nốt nhạc, chạm nhẹ sẽ ngân nga hát. Màu xanh nõn của sự trẻ trung. Màu tím hồng của sự ngập ngừng đỏm dáng. Màu đỏ rực của sự táo bạo, tự tin. Màu vàng mơ của sự chín chắn với những gì mình đã đạt được. Cả màu cam của sự dám thách thức... Ôi những cung bậc của màu mới réo rắt làm sao.
Chợ đêm cũng là những nốt nhạc của những sắc màu, trên khuông nhạc là những dây chăng đều đều dọc phố. Nốt nhạc ấy có khi rất lạ là những chiếc quần soóc đủ kiểu dáng, làm duyên bằng những chiếc thắt lưng bé xinh như thể níu kéo một chút yêu thương. Nốt nhạc ấy có khi là những chiếc áo len, hơi lạc điệu với cái nóng vẫn đang khiến mùa thu Hà Nội thành khó hiểu. Biết làm sao khi chiếc áo len mỏng manh ấy sẽ là sự tiếp nối, là sự giao mùa khiến những cung bậc dữ dội của mùa hè được thay thế bằng những tí tách mưa lạnh của mùa thu sắp chuyển sang đông. Nhanh thôi mà, rồi áo len mỏng sẽ được khoác lên, khiến phố xá có chút co ro làm dáng. Nhanh thôi mà, sẽ là áo len, khăn choàng và bốt điệu. Mùa có biết chờ ai đâu!
Chợ đêm ngẩn ngơ ngắm những bông hoa hồng kết bằng giấy đủ màu. Chút yêu thương vẫn đầy ra nơi ồn ào phố chợ. Chút yêu thương trong vòng hoa hồng kết lấp lánh, chả cần kết hình tim cũng biết để tỏ bày lời yêu. Chút yêu thương trong những chiếc dây đeo chìa khóa đủ màu, đủ cả lời nhắn nhủ từ ngộ nghĩnh tới dịu ngọt như cảm giác tình yêu len lén đến, "Vợ yêu", "Bà xã", "I love you"... Ngắn hay dài, những nốt nhạc của bức tranh tình yêu vẫn cứ hiển hiện thế. Chả thế, ai bảo nhỉ, tình yêu và đau răng là hai thứ chả giấu được ai trên đời...
Rồi nữa. Có tìm không nhưng vẫn vô tình thấy, những chiếc nhẫn chữ cái đầu tiên của tên người, những chiếc dây chuyền theo cung và theo mệnh... Thường thì, cũng có nhiều người yêu mình để tự tìm chiếc nhẫn chữ cái tên mình, sợi dây chuyền theo cung và mệnh mình. Nhưng sao cứ đồ rằng, hầu hết, nếu không muốn cực đoan mà nói là tất cả, đều nghĩ tới một ai đó đặc biệt trong tim, khi nhìn những chữ cái kia, khi ngẩn ngơ sờ những sợi dây chuyền kia... Yêu thương, thường là luôn muốn chia sẻ mà, chia sẻ như thể chia sẻ tim mình cho người ta vậy.
Chợ đêm đi. Đi mãi qua những gian hàng quần quần áo áo. Đi mãi qua những gian hàng đủng đỉnh bao điện thoại đến tối mắt vì chọn lựa cũng không chọn nổi cái nào trong tỉ cái đều đẹp kia. Đi mãi qua những cửa hàng bán bánh ngọt chợ Đồng Xuân. Đi mãi qua những hàng chè, hàng xúc xích, rồi hàng nước ngọt, sấu dầm nữa... đã mọc lên nhan nhản.
Phố cổ hiền rồi, khi phố cổ về đêm. Đã bảo mà, bao ồn ào ném thốc ra chợ đêm, để người dân phố cổ ngồi trong, chờ xem thiên hạ ồn ào thay mình, sau khi đã ồn ào suốt cả một ngày dài dằng dặc...
Nguyễn Sao Anh